Hành trình 25 năm xin trả lại đất đã hoán đổi của doanh nghiệp TP.HCM

Cao Hùng Thứ hai, ngày 22/05/2023 19:00 PM (GMT+7)
Năm 1994, UBND TP. HCM đã đề nghị Công ty Thuận Hưng chấp nhận hoán đổi 2,3 ha đất khu dân cư sang vị trí khác, do vị trí đất thuộc dự án của doanh nghiệp bị dự án Trung tâm thương mại Bình Điền chồn lấn. Đến nay, sau 25 năm, đất đã hoán đổi vẫn chưa được giao cho Công ty Thuận Hưng.
Bình luận 0

Hành trình 25 năm xin trả lại 2,3 ha đất hoán đổi

Vào năm 1994, Công ty TNHH Thuận Hưng (TP. HCM) đã tự bỏ tiền giải phóng mặt bằng, bồi thường cho 28 hộ dân để có được 10,6 ha đất (thuộc phường 7, quận 8, TP. HCM), nhằm thực hiện dự án "Tổng kho nông sản lương thực". Dự án này được Chính phủ cấp phép đầu tư cho Công ty Thuận Hưng.

Cũng thời gian đó, UBND TP. HCM cấp phép đầu tư dự án Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng cho một tập đoàn của Đài Loan. Trớ trêu, dự án Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng lại chồng lấn lên khu đất dự án "Tổng kho nông sản lương thực" do Công ty Thuận Hưng làm chủ đầu tư. Vì vậy, UBND TP.HCM lúc đó đã đề nghị "hoán đổi" đất khác (cũng ở phường 7, quận 8) cho Công ty Thuận Hưng.

TP.HCM: Chính quyền hoán đổi đất, sau 25 năm, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được đất - Ảnh 1.

Kề bên Trạm thu phí đại lộ Nguyễn Văn Linh (thuộc Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng) là khu đất 2,3 ha, thuộc dự án Khu dân cư Thuận Hưng. Ảnh: Đông Anh

Thế nhưng, diện tích 10,6 ha đất khác mà UBND TP. HCM vừa "hoán đổi" cho Công ty Thuận Hưng xong, lại tiếp tục bị dự án Trung tâm thương mại - chợ đầu mối Bình Điền chồng lấn khoảng 2,3 ha.

Một lần nữa, UBND TP.HCM lại tiếp tục đề nghị Công ty Thuận Hưng "hoán đổi" 2,3 ha đất ở xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh. Đổi lại, UBND TP. HCM lấy 2,3 ha đất tại dự án "Tổng kho nông sản lương thực" của Công ty Thuận Hưng, để giao Trung tâm thương mại - chợ đầu mối Bình Điền xây dựng khu xử lý nước thải.

Vì lơi ích chung, Công ty Thuận Hưng đã chấp nhận đề nghị "hoán đổi đất" của UBND TP.HCM, dù bị thiệt hại rất nhiều về cơ hội, tiến độ đầu tư bị chậm trễ không theo kế hoạch; chưa nói, việc phải điều chỉnh hồ sơ, thủ tục pháp lý về đất đai cùng bị gián đoạn, vì phải làm lại từ đầu...

Lúc đầu, Công ty Thuận Hưng tưởng rằng, sẽ sớm nhận được 2,3 ha đất tại xã An Phú Tây để triển khai thực hiện dự án khu dân cư theo đúng quy hoạch. Thế nhưng, trên thực tế là cả hành trình đầy dích dắc, nhiêu khê, kéo dài 1/4 thế kỷ, mà 2,3 ha đất vẫn chưa được chính quyền giao cho doanh nghiệp.

TP.HCM: Chính quyền hoán đổi đất, sau 25 năm, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được đất - Ảnh 2.

Một góc khu đất 2,3 ha đất thuộc dự án của Công ty Thuận Hưng, tọa lạc tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: Đông Anh

Ông Lâm Trúc Nhỏ - Giám đốc Công ty TNHH Thuận Hưng – nói: "Năm 1994, doanh nghiệp chúng tôi đã bồi thường xong 10,6 ha, có đất sạch 100% và đã đóng 50% lệ phí sử dụng đất (2,1 tỷ đồng). Nhưng vì các dự án lớn của TP. HCM như: Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Trung tâm thương mại Bình Điền…, chúng tôi mới chấp nhận "hoán đổi" đất mà không đòi bồi thường đồng nào.

Mặc dù UBND TP.HCM đã ra các văn bản chấp nhận "hoán đổi" đất. Thế nhưng, riêng việc hoán đổi 2,3 ha đất, sau gần 19 năm, chủ trương "hoán đổi" của thành phố mới có hiệu lực. Lúc này, Thuận Hưng mới thấy được khu đất trên thực địa. 

Nhưng đến nay, thời gian đã 25 năm, chúng tôi vẫn phải tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư, mọi thứ dở dang, chưa tới đâu. Doanh nghiệp hiện vẫn chưa nhận được Quyết định giao đất và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tiến hành triển khai dự án khu dân cư".

Thật vậy, từ sau khi có chủ trương "hoán đổi đất", thêm 4 năm nữa, Công ty Thuận Hưng mới được UBND TP.HCM chấp thuận cho đầu tư dự án nhà ở, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, công nhận chủ đầu tư… 

Song, tới lúc này, lại vướng quy định mới: Dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất cho xây dựng nhà ở xã hội.

TP.HCM: Chính quyền hoán đổi đất, sau 25 năm, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được đất - Ảnh 4.

Tại khu vực phường 7, quận 8, TP. HCM, dự án Trung tâm thương mại Bình Điền chồng lấn lên khu đất 10,6 ha (thuộc dự án Tổng kho nông sản lương lực do Công ty Thuận Hưng ), với diện tích chồng lấn khoảng 2,3 ha. Ảnh: Đông Anh

Sau 2 năm (2017-2018), dự án Thuận Hưng mới được các cơ quan chức năng TP. HCM và Bộ Xây dựng cho phép không phải dành 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội (vì dự án này đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương từ năm 2003, trước khi có Nghị định 188 (năm 2013) và Nghị định 100 (năm 2015), về 20% quỹ đất dành cho xây nhà ở xã hội). Nhưng Công ty Thuận Hưng vẫn chưa được UBND TP.HCM ra Quyết định giao đất và cấp Giấy chứng nhận QSDĐ.

Vì sao chưa xem xét 50% tiền sử dụng đất đã nộp vào ngân sách ?

Những năm qua, Công ty Thuận Hưng liên tục gửi công văn khiếu nại đến UBND TP.HCM và nhiều cơ quan chức năng ở trung ương và TP. HCM. Văn phòng UBND TP. HCM lại "Phiếu chuyển" đến Sở Tài nguyên – Môi trường (TNMT) trả lời doanh nghiệp, nhưng Sở TNMT cũng không giải quyết, mà "đá" vụ việc sang Ban Quản lý khu Nam và Sở Xây dựng TP. HCM.

Ban Quản lý khu Nam thừa nhận "công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án chưa hoàn tất", "việc bồi thường chậm, thủ tục giao đất chậm, do đó phát sinh thêm các thủ tục, không phải lỗi của Công ty Thuận Hưng", nhưng Ban Quản lý khu Nam cũng chỉ biết gửi kiến nghị lên UBND TP. HCM xem xét.

TP.HCM: Chính quyền hoán đổi đất, sau 25 năm, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được đất - Ảnh 5.

UBND quận 8 đã xác nhận Công ty Thuận Hưng đã nộp 50% lệ phí sử dụng đất (10,6 ha) vào ngân sách Nhà nước từ năm 1992. Ảnh: Đông Anh

TP.HCM: Chính quyền hoán đổi đất, sau 25 năm, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được đất - Ảnh 6.

Danh sách 28 hộ dân và HTX Phú Sơn đã được Công ty Thuận Hưng tự bỏ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, với diện tích 10,6 ha đất để thực hiện dự án Tổng kho nông sản lương thực. Ảnh: Đông Anh

Thậm chí, đơn khiếu nại của doanh nghiệp gửi UBND TP. HCM; UBND TP. HCM "đá" sang Sở TNMT; Sở TNMT lại "đá" sang Sở Xây dựng… Sau một vòng, vụ việc được các cơ quan "đá" trở về lại vạch xuất phát là… doanh nghiệp. Trong khi vướng mắc,  trở ngại đối với doanh nghiệp vẫn còn nguyên vẹn, chưa hề được giải quyết.

Gần đây nhất, sau khi Thanh tra Bộ TNMT vào cuộc và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP. HCM: "Thực hiện trình tự thủ tục giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 21.869 m2 tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh cho Công ty Thuận Hưng theo quy định của pháp luật".

Từ đây, hồ sơ dự án khu dân cư Thuận Hưng (2,3 ha) của Công ty Thuận Hưng mới thật sự được xem xét giải quyết; sau hàng loạt văn bản tham mưu của các sở, ngành TP. HCM và bộ, ngành trung ương.

TP.HCM: Chính quyền hoán đổi đất, sau 25 năm, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được đất - Ảnh 7.

Công ty Thuận Hưng khởi công thực hiện một dự án đầu tư tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Ảnh: Đông Anh

Tuy nhiên, theo ông Lâm Trúc Nhỏ - Giám đốc Công ty Thuận Hưng: Xuyên suốt các quyết định thu hồi và cho thuê đất của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP. HCM chưa xem xét đến giá trị tiền sử dụng đất mà Công ty Thuận Hưng đã tạm nộp vào ngân sách Nhà nước (tương đương 50% giá trị tiền sử dụng đất (10,6 ha), tại thời điểm năm 1992 là trên 2,14 tỷ đồng".

Hơn bao giờ, doanh nghiệp này mong mỏi chính quyền TP. HCM và các cơ quan chức năng xem xét: 

Cho phép quy đổi và khấu trừ số tiền 50% tiền sử dụng đất mà Công ty Thuận Hưng đã nộp trước cho ngân sách Nhà nước tại thời điểm năm 1992 (diện tích 10,6 ha), vào số tiền phải nộp, khi xác định nghĩa vụ tài chính của Công ty Thuận Hưng đối với dự án Khu dân cư Thuận Hưng (diện tích 2,3 ha/10,6 ha).

Đồng thời, sớm thực hiện giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (2,3 ha), để Công ty Thuận Hưng sớm triển khai dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem