Hé lộ chủ nhân gói thầu hơn 1.256 tỷ dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45

11/11/2020 18:50 GMT+7
Gói thầu XL-13, thi công xây dựng đoạn Km307+600 - Km318+000 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - QL45, có giá trị 1.256,2 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 24 tháng.

Trong khi 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 (QL 45) - Nghi Sơn và dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu bị hủy thầu do không có được nhà thầu "mặn mà" tham gia dự án, thì dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 đã tìm được nhà thầu.

Dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 dài 63,37km, đi qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Giai đoạn hoàn chỉnh được xây dựng theo quy mô 6 làn xe, nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h; giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng 4 làn xe hạn chế, nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Dự án có tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng.

Giá thầu hơn 1.256 tỷ đồng dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 đã có chủ nhân - Ảnh 1.

Hiện nay, 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đầu tư công đã được khởi công.

Ngày 11/11, Ban QLDA Thăng Long tổ chức ký hợp đồng và trao thầu gói thầu xây lắp XL-13 thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 cho liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh.

Liên danh này sẽ thực hiện gói thầu XL-13, thi công xây dựng đoạn Km307+600 - Km318+000 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) với giá thầu có giá trị 1.256,2 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 24 tháng.

Như vậy, tính đến thời điểm này, dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam đoạn Mai Sơn - QL45 (5 gói thầu xây lắp) đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp cho 4 gói thấu (XL10, XL-11, XL-12, XL-13).

Còn lại, gói thầu cuối cùng của dự án là XL-14 do các nhà thầu dự thầu không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nên sẽ phải tổ chức đấu thầu lại. Dự kiến, công tác lựa chọn nhà thầu của gói XL-14 sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12/2020.

Với việc 2 dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu bị hủy thầu, rất có thể 2 dự án này sẽ chuyển đổi sang phương thức đầu tư công.

Việc chuyển đổi phương thức đầu tư công cũng đã từng được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề xuất. Trong báo cáo, gửi tới các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng trình bày, ngay cả trường hợp nhà đầu tư đã được lựa chọn và ký kết hợp đồng, cũng chưa thể khẳng định sẽ huy động được vốn tín dụng để triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam.

Để bảo đảm việc triển khai dự án theo đúng yêu cầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề xuất đối với dự án thành phần đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư được lựa chọn nhưng không huy động được nguồn vốn tín dụng để triển khai, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư.

Tuy nhiên, dù 2 dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu có được chuyển đổi phương thức sang đầu tư công, thì dự án này vẫn phải tổ chức đấu thầu lại để tìm nhà thầu có đủ năng lực thi công.

Theo các chuyên gia giao thông, dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP khi tham gia dự án, nhà thầu chỉ phải bỏ khoảng 20% vốn đối ứng, phần còn lại là 30-40% vay vốn ngân hàng và nhà nước phải bỏ ra tới 40-50% vốn mồi tại các dự án trọng điểm này. Tuy nhiên, vẫn không có nhà thầu nào "mặn mà" tham gia.

Sở dĩ các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đầu tư theo hình thức PPP không có nhà thầu "mặn mà" tham gia xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên cần phải kể đến là rủi rỏ của các nhà đầu tư từ bài học của các dự án BOT hiện hữu. Hiện nay, các dự án BOT đều có doanh thu thấp không đảm bảo phương án tài chính, cùng với đó là nợ xấu của các dự án BOT tăng cao. Ngoài ra, việc huy động vốn tín dụng tại thời điểm này cũng sẽ rất khó khăn.

Thế Anh
Cùng chuyên mục