Hai phương án thay thế sau khi huỷ thầu 2 dự án cao tốc Bắc - Nam
ánSau khi 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu bị huỷ thầu, Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng 2 phương án thay thế để tiến hành thực hiện 2 dự án này có thể hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra vào cuối năm 2021.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với 2 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu buộc phải hủy thầu, Bộ GTVT đang tìm phương án thực hiện.
Theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong trường hợp việc đấu thầu các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam không lựa chọn được nhà đầu tư.
Để đảm bảo tiến độ của 2 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu, Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo các Ban quản lý dự án (bên mời thầu) tiến hành rà soát, cập nhật lại số liệu, đề xuất sử dụng nguồn vốn phù hợp đối với hai dự án trên để Bộ báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Đến nay, Ban Quản lý dự án 2 đã xây dựng 2 phương án gồm: Phương án 1 là tổ chức lại việc lựa chọn nhà đầu tư. Với phương án này, trong trường hợp không gặp vướng mắc cũng sẽ phải kéo dài thêm thời gian khoảng 10 tháng dẫn đến không đảm bảo tiến độ thực hiện dự án (hoàn thành cơ bản trong năm 2022). Hơn nữa, khi tổ chức đấu thầu lại, trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư tại bước sơ tuyển hoặc đấu thầu sẽ không xác định được thời gian thực hiện dự án.
Phương án 2 là xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công. Với phương án này sẽ khắc phục được những khó khăn vướng mắc, bảo đảm chắc chắn thành công trong quá trình thực hiện dự án.
Khi thực hiện phương án này sẽ thúc đẩy tiến độ triển khai, hoàn thành đồng bộ với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đã khởi công xây dựng, đặc biệt là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với dự án Nghi Sơn - Diễn Châu, Ban Quản lý dự án 6 đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, báo cáo cấp thẩm quyền cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Trước đó, việc chuyển đổi phương thức đầu tư công cũng đã từng được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề xuất. Trong báo cáo, gửi tới các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng trình bày, ngay cả trường hợp nhà đầu tư đã được lựa chọn và ký kết hợp đồng, cũng chưa thể khẳng định sẽ huy động được vốn tín dụng để triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam.
Để bảo đảm việc triển khai dự án theo đúng yêu cầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề xuất đối với dự án thành phần đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư được lựa chọn nhưng không huy động được nguồn vốn tín dụng để triển khai, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư.
Tuy nhiên, dù 2 dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu có được chuyển đổi phương thức sang đầu tư công, thì dự án này vẫn phải tổ chức đấu thầu lại để tìm nhà thầu có đủ năng lực thi công.
Đoạn tuyến cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn là dự án thứ 2 trong tổng số 5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) phải hủy thầu. Trước đó, dự án PPP đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu đã phải hủy thầu do không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.
Tại thời điểm đóng thầu dự án ngày 5/10/2020, bên mời thầu (Ban quản lý dự án 2) đã không nhận được bất kỳ hồ sơ dự thầu nào của nhà đầu tư. Sau đó, Bộ GTVT gia hạn đóng thầu tới ngày 12/10/2020, Ban quản lý dự án 2 nhận được hồ sơ dự thầu của một nhà đầu tư là liên danh Công ty cổ phần Licogi16 - Công ty cổ phần FECON - Công ty cổ phần Đầu tư 468 - Công ty Trách nhiệm hữu hạn xây dựng Điền Phước - Công ty cổ phần Hạ tầng và phát triển đô thị FECON.
Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43km, đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa được đầu tư theo hình thức PPP, tổng mức đầu tư khoảng 6.333 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước khoảng 2.033 tỷ đồng, còn lại là vốn của nhà đầu tư huy động.