Hiến kế thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam

20/10/2020 11:51 GMT+7
Các đơn vị xếp hạng tín nhiệm tại khắp các nước châu Á hiện đã thiết lập quan hệ đối tác với các cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu để có được uy tín. Theo ADB, Việt Nam muốn phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng cần đi theo mô hình đó.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa xuất bản báo cáo 'Tiềm năng đầu tư nước ngoài vào cơ quan xếp hạng tín dụng trong nước tại Việt Nam'. Báo cáo này được ADB xây dựng để đánh giá mức độ hấp dẫn của thị trường trái phiếu Việt Nam từ quan điểm của một cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu.

Nội dung báo cáo đề cập, Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng kể từ năm 2017. Năm 2019, lượng phát hành trái phiếu lên tới 12,8 tỷ USD – con số này lớn hơn con số của Indonesia và Philippines. Trong đó, trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm tới 94% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm 2018 và 2019 sau khi có sự nới lỏng các quy định về công bố thông tin và điều kiện phát hành.

Hiến kế thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam - Ảnh 1.

Phát hành trái phiếu của Việt Nam - theo Báo cáo của ADB

Nếu tính bình quân từ năm 2012 đến năm 2019, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 40%; lượng trái phiếu đang lưu hành lên tới khoảng 11,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam - cao thứ tư trong ASEAN.

Điều đó cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã khởi sắc sau nhiều năm tăng trưởng chậm.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích của ADB, việc thiếu văn hóa xếp hạng tín nhiệm đặt ra những rủi ro đáng kể đối với thị trường trái phiếu và lĩnh vực tài chính. Đặc biệt khi các nhà đầu tư riêng lẻ hiện đang sở hữu gần một phần tư tổng lượng trái phiếu phát hành.

Tất nhiên, không nhà đầu tư nào nên đưa ra quyết định của họ chỉ theo khuyến nghị của tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Dù vậy, nhận xét của tổ chức này có thể giúp củng cố thêm trật tự của thị trường bằng cách định hướng nhà đầu tư không nên tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá và phía bên phát hành trái phiếu đưa ra các trái phiếu có ràng buộc lỏng lẻo.

Hơn thế nữa, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm sẽ có thể giúp bên phát hành có được điều khoản có lợi hơn trong đó có bao gồm thời hạn dài hơn và chênh lệch tín dụng thấp hơn. Như vậy, chi phí vốn của bên vay giảm và giúp cho kinh tế tăng trưởng.

Báo cáo chỉ ra rằng, việc xếp hạng tín nhiệm khá hiếm bởi Việt Nam hiện vẫn thiếu cơ quan xếp hạng tín nhiệm nội địa. Hiện mới chỉ có hai công ty xếp hạng tín nhiệm trong nước đã được Bộ Tài chính cấp phép (công ty thứ nhất trong năm 2017 và công ty thứ hai vào tháng 3 năm 2020). Thế nhưng, cả hai đơn vị này đều chưa hoạt động vì còn khá mới mẻ.

Trong khi đó, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Phil Ratings được thành lập tại Philippines vào năm 1985, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Malaysia được thành lập năm 1990, còn cơ quan xếp hạng tín nhiệm Pefindo của Indonesia ra đời năm 1995...

Cũng theo tổ chức này, việc thiếu nhu cầu xếp hạng tín nhiệm luôn là nhân tố hạn chế đối với các cơ quan xếp hạng tín nhiệm trong nước ở Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam thông qua luật chứng khoán mới, theo đó, một số loại trái phiếu bắt buộc phải được xếp hạng trước khi phát hành ra công chúng, tuy nhiên sau đó một dự thảo vào tháng 6/2020 lại cho rằng nhiều loại trái phiếu có thể được miễn trừ.

ADB cho rằng, Việt Nam nên yêu cầu bắt buộc xếp hạng trái phiếu. Chính phủ nhiều nền kinh tế trong khu vực cũng đã từng yêu cầu điều này. Doanh nghiệp nên coi nó như một chi phí bắt buộc trong phát hành trái phiếu và chi phí đó phục vụ cho chính lợi ích của doanh nghiệp. Họ xây dựng văn hóa tín nhiệm và là công cụ bắt buộc để kiểm soát tính lành mạnh của thị trường.

Cùng với đó, các đơn vị xếp hạng tín nhiệm tại khắp các nước châu Á hiện đã thiết lập quan hệ đối tác với các cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu để có được uy tín. Theo ADB, Việt Nam muốn phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng cần đi theo mô hình đó.

Hiến kế thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam - Ảnh 2.

Dư nợ Trái phiếu doanh nghiệp ASEAN

"Một cơ quan xếp hạng tín nhiệm đáng tin cậy là yếu tố còn thiếu trong thị trường trái phiếu Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trường bùng nổ. Việc hợp tác với cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu sẽ giúp giải phóng cho tiềm năng của thị trường, thế nhưng các tổ chức toàn cầu cũng cần chắc chắn rằng Việt Nam thực sự có nhu cầu cần được xếp hạng", các chuyên gia ADB nhấn mạnh.

Về tổng thể, điều này sẽ dẫn tới sự pha trộn lý tưởng giữa thông lệ tốt toàn cầu với sự hiểu biết địa phương về văn hóa, doanh nghiệp và thực tiễn. Hơn nữa, hợp tác kỹ thuật giữa một công ty xếp hạng tín nhiệm toàn cầu và một đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong nước sẽ giúp nâng cao uy tín của đơn vị xếp hạng trong nước (thông qua danh tiếng của công ty xếp hạng toàn cầu về các quy trình quản lý và phân tích nghiêm ngặt), dẫn tới sự chấp nhận rộng rãi hơn của thị trường và sử dụng xếp hạng của công ty xếp hạng trong nước nhiều hơn.

Chính phủ Việt Nam có thể đặt nền móng thông qua các biện pháp cải cách thúc đẩy nhu cầu xếp hạng tín nhiệm và khuyến khích sự phát triển thận trọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Nhật Minh
Cùng chuyên mục