HIMARS - Hệ thống tên lửa tiên tiến mà Mỹ gửi cho Ukraine có gì đặc biệt?

Lê Phương (Aljazeera) Thứ năm, ngày 02/06/2022 14:37 PM (GMT+7)
Việc Mỹ gửi Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) tới Ukraine đã vấp phải sự chỉ trích từ Điện Kremlin, Moscow cáo buộc Washington đang 'đổ thêm dầu vào lửa'.
Bình luận 0
HIMARS - Hệ thống tên lửa tiên tiến mà Mỹ gửi cho Ukraine có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Mỹ đang gửi các hệ thống tên lửa tiên tiến HIMARS tới Ukraine. Ảnh: AFP

Các quan chức Nhà Trắng đã xác nhận rằng Mỹ sẽ gửi Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao M142, còn được gọi là HIMARS, tới Ukraine.

Các hệ thống tên lửa tầm trung này từ lâu đã đứng đầu danh sách yêu cầu vũ khí của Kiev trong bối cảnh xung đột với Nga diễn ra căng thẳng ở các khu vực phía đông đất nước.

Các quan chức Mỹ xác nhận HIMARS sẽ là một phần của gói hỗ trợ an ninh trị giá 700 triệu USD mới cho Ukraine, bao gồm máy bay trực thăng, hệ thống vũ khí chống tăng Javelin, xe chiến thuật, phụ tùng thay thế...

Trong một bài đăng trên New York Times hôm 31/5, Tổng thống Joe Biden đã viết rằng Mỹ sẽ "cung cấp cho Kiev các hệ thống tên lửa và đạn dược tiên tiến hơn để giúp họ tấn công chính xác vào các mục tiêu quan trọng trên chiến trường Ukraine".

Ông cho biết các vũ khí này nhằm giúp Ukraine "chiến đấu trên chiến trường và tạo đòn bẩy trên bàn đàm phán".

Gói quân sự này sẽ là gói thứ 11 mà Mỹ cung cấp cho Ukraine kể từ khi chiến dịch của Nga bắt đầu vào ngày 24/2. Tổng cộng, Mỹ đã cung cấp khoảng 4,5 tỷ USD hỗ trợ quân sự kể từ đầu chiến dịch.

Hệ thống tên lửa mới Mỹ cung cấp cho Ukraine có gì đặc biệt?

HIMARS là một bệ phóng tên lửa hạng nhẹ, công nghệ cao được lắp trên bánh xe, giúp nó nhanh nhẹn và cơ động hơn trên chiến trường. Mỗi đơn vị có khả năng mang theo sáu tên lửa dẫn đường bằng GPS và có thể được nạp lại trong khoảng một phút chỉ với một kíp lái nhỏ.

Các nhà phân tích cho rằng hệ thống này đáng tin cậy hơn đáng kể so với các hệ thống tên lửa khác mà lực lượng Ukraine hiện đang sử dụng.

Phạm vi hoạt động của HIMARS là khoảng 80 km, gần gấp đôi tầm bắn của các loại pháo M777 do Mỹ cung cấp, được đưa vào chiến trường Ukraine hồi tháng 5/2022.

Tại sao vũ khí này lại quan trọng?

Nhiều quan chức Ukraine từ lâu đã kêu gọi các hệ thống pháo tầm xa hơn giúp đẩy lùi những bước tiến của Nga ở phía đông, khu vực cánh đồng trải dài thường được coi là khó bảo vệ hơn các khu vực đô thị dày đặc.

Hôm 28/5, khi các lực lượng Nga tấn công thành phố quan trọng chiến lược Severodonetsk, cố vấn tổng thống Ukraine và nhà đàm phán hòa bình Mykhailo Podolyak một lần nữa cho biết cần có vũ khí tầm xa hơn để đối phó với Nga.

"Khi bị tấn công từ cách xa 70km thì khó mà chống trả được. Ukraine có thể đưa Nga trở lại sau Bức màn sắt, nhưng chúng tôi cần vũ khí đủ khả năng để làm điều đó", ông Podolyak viết trên Twitter.

HIMARS sẽ cung cấp cho lực lượng của Ukraine khả năng tấn công xa hơn vào phía sau phòng tuyến của Nga. 

Samuel Cranny-Evans, một nhà phân tích nghiên cứu tại Royal United Services Institute, nói với Al Jazeera: "Nói rộng ra, kho vũ khí pháo của Ukraine vượt xa và nhiều hơn Nga".

Ông nói: "Trước hết, HIMARS sẽ cung cấp cho Ukraine khả năng tấn công các hệ thống tên lửa của Nga. Ngoài ra, HIMARS cũng có thể nhắm mục tiêu vào kho hậu cầu và các nút chỉ huy kiểm soát, vốn rất quan trọng đối với khả năng duy trì cuộc chiến của Moscow".

Tại sao bây giờ Mỹ mới gửi hệ thống này cho Ukraine?

Mỹ vẫn lo ngại việc cung cấp vũ khí có thể có gây ra leo thang xung đột ngoài biên giới Ukraine.

Cho đến nay, Washington không công khai ủng hộ bất kỳ cuộc tấn công tầm ngắn nào mà Ukraine được cho là đã tiến hành bên trong lãnh thổ Nga, bằng tên lửa, máy bay không người lái hoặc máy bay trực thăng.

Mặc dù về mặt lý thuyết, pháo được cung cấp cho HIMARS có thể tiếp cận Nga nếu bắn đủ gần biên giới, nhưng một quan chức Mỹ nói với các phóng viên hôm 31/5 rằng "Ukraine đã đưa ra lời đảm bảo rằng họ sẽ không sử dụng các hệ thống này để tấn công lãnh thổ Nga".

Mỹ tuyên bố họ sẽ không cung cấp cho Ukraine Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (MGM-140), có tầm bắn lên tới 300km.

Nga cho biết quyết định cung cấp HIMARS của Mỹ sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Moscow và Washington.

Hôm 1/6, Điện Kremlin chỉ trích mạnh mẽ quyết định của Mỹ trong việc cung cấp hệ thống tên lửa và đạn dược cho Ukraine, đồng thời cáo buộc Washington đổ thêm "dầu vào lửa".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem