Hồ Sông Đầm đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đô thị sinh thái của thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam
Ngày 19/7, UBND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội thảo khoa học về bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học hệ sinh thái đất ngập nước hồ Sông Đầm.
Ông Nguyễn Duy Ân - Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cho biết, thành phố Tam Kỳ là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Nam.
"Một trong những mục tiêu quan trọng mà thành phố hướng đến là hình thành và duy trì đô thị có sức hấp dẫn thông qua việc tạo dựng cảnh quan đặc sắc gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn các giá trị văn hóa địa phương để tạo sự thu hút không chỉ với cư dân mà còn đối với du khách; qua đó tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đô thị...", ông Nguyễn Duy Ân nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Duy Ân, theo quy hoạch chung thành phố Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông đầm đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đô thị sinh thái Tam Kỳ.
Sông Đầm có hệ sinh thái đa dạng, phong phú đặc trưng của khu vực Nam Trung Bộ; với vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên, có mức độ đa dạng sinh học cao, mang nhiều chức năng và giá trị quan trọng đối với môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, sinh hoạt sản xuất và văn hoá truyền thống của cư dân bản địa quanh vùng bờ; cùng với hệ thống di tích lịch sử quốc gia Địa đạo Kỳ Anh là tiềm năng to lớn cho việc phát triển du lịch của thành phố Tam Kỳ nói riêng và khu vực phía Nam của tỉnh nói chung trong tương lai.
"Trong những năm qua, thành phố Tam Kỳ luôn quyết tâm, vào cuộc tích cực trong việc bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái Sông Đầm.
Thành phố đã thực hiện trồng và chăm sóc hàng nghìn cây xanh, với nhiều chủng loại bản địa như, vừng, tre đồng, cừa, sậy, dừa nước... với quy mô hơn 20 ha; thường xuyên tổ chức ra quân truy quét nạn đánh bắt thủy sản trái phép, săn bắt các loài chim hoang dã và di cư; kiểm soát chặt chẽ nguồn nước đầu vào; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi đa dạng sinh học.
Vận động nhân dân chấp hành, đồng hành với các chủ trương của thành phố bàn giao hơn 1.000 thửa đất với tổng diện tích hơn 3 ha để trồng và phát triển cây xanh.
Nhờ đó, việc bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái Sông Đầm đã có những kết quả tích cực bước đầu, diện tích cây xanh tăng lên, nước trở nên trong lành hơn, nguồn lợi thủy sản đang dần phục hồi.
Bên cạnh đó, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam và Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Quảng Nam cũng đang triển khai các đề tài về "nghiên cứu đa dạng sinh học và các hệ sinh thái điển hình, đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn và khai thác sử dụng hợp lý lưu vực hồ Sông Đầm với mục tiêu nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng sinh học tại Sông Đầm"", ông Ân chia sẻ.
Tại hội thảo lần này, ban tổ chức nhận được 15 báo cáo khoa học của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học đang nghiên cứu về lĩnh vực đa dạng sinh học và quản lý đất ngập nước.
Các báo cáo tập trung vào công tác quản lý hiện trạng đa dạng sinh học hệ sinh thái Sông Đầm; chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý hệ sinh thái đất ngập nước của các vùng miền trên cả nước; sử dụng công nghệ viễn thám và GIS trong quản lý, định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với cộng đồng và thu hút nguồn lực đầu tư cho sự phát triển bền vững Sông Đầm.
Tại hội thảo, ông Phan Thái Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, Sông Đầm với diện tích toàn bộ lưu vực là 650ha, trong đó, khoảng 200ha mặt nước, có hệ sinh thái rất đa dạng gồm hệ thủy sinh, hệ sinh thái mặt nước, hệ sinh thái trên bờ với hệ động thực vật phong phú.
"Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Sông Đầm đang bị tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi, làm ảnh hưởng đến chất lượng hệ sinh thái, đa dạng sinh học.
Do đó, việc bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học hệ sinh thái sông đầm là hết sức cần thiết nhằm phục hồi, tạo môi trường sống an toàn, bền vững cho các loại động thực vật bản địa, tạo sinh kế bền vững cho nhân dân; góp phần phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng sinh thái cho thành phố Tam Kỳ", ông Phan Thái Bình yêu cầu.
Thời gian tới, để phát triển vùng Sông Đầm, ông Phan Thái Bình yêu cầu sớm xây dựng kế hoạch tổng thể để khôi phục, phát triển các hệ sinh thái đất ngập nước và có lộ trình thực hiện phù hợp.
Trong đó, cần nghiên cứu các đặc tính, đánh giá tác động, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các loài để xác định đúng mức phạm vi, bố trí hợp lý đối với từng loài, đảm bảo tính cân đối sinh thái. Đối với các loài mới đưa vào cần có nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, nghiêm túc để đảm bảo tính thích nghi cao và tránh các xung đột sinh thái có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, thành phố Tam Kỳ khẩn trương xây dựng hồ sơ trình thẩm định, thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh đối với Sông Đầm theo đúng tiến độ; làm cơ sở để triển khai các kế hoạch, hoạt động bảo tồn.
Trong đó, tập trung xác định và xây dựng quy hoạch chi tiết khu bảo tồn đất ngập nước Sông Đầm; xác định rõ các phân khu, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ - hành chính; ranh giới từng phân khu theo nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái và đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước…