Học tập mô hình đại học khởi nghiệp thế giới

23/11/2022 06:49 GMT+7
Với vai trò cung cấp nguồn nhân lực có hàm lượng tri thức cao, các trường đại học, cao đẳng là thành phần then chốt trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Trên thế giới, nhiều mô hình đại học khởi nghiệp đã trở thành điểm sáng, phù hợp để Việt Nam tham khảo và học tập.

Mô hình đại học khởi nghiệp của Đại học MIT (Hoa Kỳ)

Được mệnh danh là trường đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo số 1 trên thế giới, trường đại học MIT- Massachusetts Institute of Technology (Hoa Kỳ) đã sản sinh ra 30.200 công ty khởi nghiệp, tạo ra 4,6 triệu việc làm, với doanh thu đạt 1.900 tỷ USD, cao gấp 8 lần so với GDP của Việt Nam vào năm 2014.

Theo đó, nếu coi tất cả các cựu sinh viên của MIT là một quốc gia, đó sẽ là nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới, với tổng doanh thu cao hơn GDP của Ấn Độ (1.877 nghìn tỷ USD) và thấp một chút so với GDP của Nga (2.097 nghìn tỷ USD). Một số doanh nghiệp tên tuổi mà các học viên của MIT sáng lập có thể kể đến HP, Intel, Bose, Qualcomm, Dropbox...

Riêng trong nước Mỹ, mỗi 8 USD được tạo ra thì có 1 USD của MIT. Theo thống kê, số lượng sinh viên khởi nghiệp của MIT đạt 25%. Trái với hiện tượng “sớm nở tối tàn” thường thấy ở các startups, 80% doanh nghiệp của sinh viên MIT tồn tại trên thị trường hơn 5 năm và con số này sau 10 năm là 70%.

Sinh viên tốt nghiệp từ MIT khởi nghiệp bài bản và bền vững. Với nền tảng kiến thức công nghệ, 31% startups của MIT sở hữu ít nhất 1 bằng sáng chế. 23% doanh nghiệp đặt ngoài Mỹ, lan tỏa ảnh hưởng của đế chế khổng lồ này trên khắp thế giới.

Để có thể được đào tạo, học tập tại MIT, ngoài kiến thức, ứng viên phải thể hiện được những tố chất như: mong muốn đưa thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn, sẵn sàng hợp tác, dám thử thách, dám liều lĩnh, không sợ thất bại, dám nhận khó khăn, năng động và có tính tò mò.

Ngoài ra, để trở thành một phần của cộng đồng MIT, ứng viên còn phải biết quan tâm, nâng đỡ người khác, biết khơi gợi niềm cảm hứng làm việc của bạn bè trong cộng đồng.

MIT đạt được thành công này và trở thành hình mẫu của đại học khởi nghiệp là nhờ ba lý do chính dưới đây.

Thứ nhất, từ khi thành lập vào năm 1861, MIT luôn hướng tới mục tiêu "nâng cao kiến thức và chuẩn bị cho sinh viên về khoa học, công nghệ và các lĩnh vực nghiên cứu mang lại lợi ích tốt nhất cho quốc gia và thế giới".

Phương châm của MIT đó là “Trí óc và Bàn tay”, nghĩa là không chỉ có có lao động trí óc mà còn thực hành, lao động bằng đôi tay.

Theo số liệu thống kê, Viện Công nghệ Massachusetts có 93 người được giải Nobel, 25 người nhận giải thưởng Turing, 58 người nhận Huân chương Khoa học Quốc gia (National Medal of Technology and Innovation), 45 học giả (Rhodes Scholars) và 50 học giả MacArthur (MacArthur Fellows).

MIT được đánh giá là đã góp phần thúc đẩy thời đại kỹ thuật số, mở đường cho phát triển tính toán hiện đại và công nghệ mạng máy tính. Trong đó nổi bật là thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tại Boston và khu vực Silicon Valley.

Thứ hai, không chỉ với người học, MIT còn khuyến khích các giảng viên kinh doanh. Nhiều giáo viên của MIT trở thành doanh nhân, hình thành sự liên kết chặt chẽ giữa MIT và các doanh nghiệp.

Một trong những trường hợp doanh nghiệp khởi nghiệp thành công của MIT có thể kế đến tập đoàn HP. Theo đó, giáo sư Frederick Terman của MIT chính là người đã hướng dẫn hai kĩ sư William Hewlett và David Packard thành lập HP – một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Hoa Kỳ hiện nay.

Thứ ba, MIT triển khai và xây dựng các chương trình đào tạo, giáo dục khởi nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ mới từ rất sớm.

Không chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ, MIT thậm chí còn đào tạo công nghệ và khởi nghiệp cho học sinh trung học khắp thế giới. Trại hè Khởi nghiệp FutureHack là một trong số các chương trình đó. Học sinh ở độ tuổi 12-18 tuổi từ các nước có thể thi tuyển và tham gia vào trại hè FutureHack.

Trại hè đào tạo kiến thức công nghệ và tạo lập - quản trị doanh nghiệp. Giảng viên của FutureHack là giáo sư của MIT, Harvard, Tufts và các gương mặt thuộc danh sách Forbes 30 under 30. FutureHack phản ánh tư duy kinh doanh hiện đại: với các sản phẩm, công cụ và lợi thế cạnh tranh đều xuất phát từ nền tảng công nghệ.

Đại học khởi nghiệp – Việt Nam học tập mô hình thế giới

Với vai trò cung ứng nguồn nhân lực và những nghiên cứu với hàm lượng tri thức cao, các trường đại học, cao đẳng nên là thành phần then chốt trong vấn đề đổi mới sáng tạo.

Tham khảo những mô hình đại học khởi nghiệp trên thế giới, điển hình là mô hình của trường MIT, không ngoài xu hướng đó, Việt Nam đã và đang thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng.

Theo các chuyên gia, trong giảng dạy, các trường đại học cần nhấn mạnh việc đào tạo, giảng dạy trong phòng thí nghiệm, chú trọng đào tạo ứng dụng và gắn kết với các công ty công nghệ, với các doanh nghiệp. Ngoài ra, các trường đại học, cao đẳng cũng cần đào tạo chương trình khởi nghiệp tập trung vào hai chức năng chính: tinh thần và kỹ năng khởi nghiệp.

CEO Đặng Đức Thành, Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà kinh tế (VEC), cho rằng triển khai cho các trường cao đẳng và đại học trên cả nước phát triển theo định hướng trở thành đại học khởi nghiệp chính là giải pháp đột phá phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Cũng theo ông Thành, nếu tất cả các trường đại học và cao đẳng của Việt Nam định hướng và theo cách làm này, số lượng phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam chắc chắn sẽ tăng đột biến, góp phần chủ lực phát triển kinh tế xã hội bền vững cho đất nước.

Theo Theleader
Cùng chuyên mục