Hơn 157.000 tỷ đồng sắp chảy ra thị trường, "cuộc chơi" lãi suất trong tay NHNN?
Hơn 157.000 tỷ đồng sắp chảy ra thị trường, lãi suất liên ngân hàng vẫn thấp?
Theo số liệu của bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) ghi nhận trong bản tin phân tích tiền tê - trái phiếu tuần từ 8 - 12/3, trong 2 tháng đầu năm nay, các ngân hàng thương mại đã bán gần 7 tỷ USD kỳ hạn 6 tháng ở tỷ giá 23.125 VND/USD về Ngân hàng Nhà nước, tương ứng với khoảng 157.000 tỷ đồng được bơm ra vào tháng 7 và 8/2021, nếu các hợp động này không bị hủy ngang và không có các động thái trung hòa của NHNN như phát hành tín phiếu để hút tiền về.
"Đây là yếu tố hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và giúp lãi suất tiền gửi trên liên ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức thấp'', SSI Research nhận định.
Trước đó, tại báo cáo thị trường tiền tệ và trái phiếu tuần đầu tháng 3 của SSI Research cũng dự báo, thanh khoản tháng 3 sẽ tiếp tục dồi dào do huy động tiền gửi vẫn khá tích cực và NHNN vẫn duy trì định hướng nới lỏng thận trọng. Theo đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn sẽ ổn định ở mức thấp.
Tuy nhiên, mức thấp này dao động trong khoảng 0,3% với kỳ hạn qua đêm và 0,5% với kỳ hạn 1 tuần, cũng cao gấp 2-3 lần so với các tuần trước tháng 1/2021.
Trên thực tế, trong tuần 8/3 – 12/3, thị trường mở tiếp tục không phát sinh giao dịch, lãi suất trên liên ngân hàng đi ngang ở mức 0,33%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,48%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Dữ liệu của NHNN cũng cho biết lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng sau Tết Nguyên đán 2021 đang có xu hướng giảm và dần hình thành mặt bằng mới. Lãi suất liên ngân hàng giảm cho thấy cân đối thanh khoản và nguồn tiền của các ngân hàng thương mại đã bớt áp lực hơn so với thời điểm trước Tết Nguyên đán 2021.
"Cuộc chơi" lãi suất vẫn nằm trong tay NHNN?
Trong khi lãi suất liên ngân hàng tiếp tục được dự báo duy trì ở mức thấp khi có hơn 157.000 tỷ đồng sắp chảy ra thị trường trong thời gian tới, trên thị trường 1, một số ngân hàng (Techcombank, VPBank) điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi từ 0,2 – 0,5 điểm % với khách hàng cá nhân nhưng không thay đổi với khách hàng tổ chức. Trước đó, trong tháng 2, một số ngân hàng (Vietcombank, ACB, SHB…) lại điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi 0,1 – 0,4 điểm %.
Dù vậy, việc tăng/giảm lãi suất tiền gửi trong những tuần gần đây theo SSI chỉ mang tính chất cục bộ. Đồng thời, đơn vị phân tích này dự báo lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ vẫn giữ ở mức thấp hiện tại trong quý I và đầu quý II/2021 và có thể nhích tăng từ cuối quý II/2021 khi các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp tăng cầu tín dụng.
Còn theo đánh giá của một chuyên gia kinh tế: lãi suất trên thị trường tiền tệ Việt Nam có thể chưa tăng ngay nhưng cũng đang có những dấu hiệu cho thấy lãi suất đã chạm đáy và có khả năng tăng trở lại bởi tác động của chỉ số lạm phát. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2021 tăng 1,52% so với tháng 1/2021 – mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 2 trong 8 năm gần đây và tăng 1,58% so với tháng 12/2020.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, dù lạm phát tiếp tục tăng nhanh hay giảm, "cuộc chơi" lãi suất vẫn nằm trong tay NHNN bởi cơ quan này vẫn là chủ thể đưa quyết định xu hướng lãi suất trên thị trường thông qua các công cụ điều hành.