Hồng Kông mạnh tay chi hơn 50 triệu USD để ăn sản phẩm thịt này của Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được 19,52 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 81,68 triệu USD.
Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 26 thị trường. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chiếm 50,2% tổng lượng thịt và các sản phẩm thịt xuất khẩu của cả nước, đạt 9,79 nghìn tấn, trị giá 50,92 triệu USD.
Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc chiếm 22% tổng lượng thịt và các sản phẩm thịt xuất khẩu của cả nước, đạt 4,3 nghìn tấn, trị giá 9,85 triệu USD.
Năm 2021, thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh…
Trong đó, thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 10,75 nghìn tấn, trị giá 20,47 triệu USD. Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Trung Quốc và Thái Lan.
Đứng thứ hai là thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh với 5,96 nghìn tấn, trị giá 43,58 triệu USD. Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Thái Lan và Lào.
Năm 2021, mặc dù dịch tả lợn châu Phi (ASF) vẫn là mối đe dọa ở nhiều nước trên thế giới, nhưng theo Tổ chức FAO, sản lượng lợn năm qua vẫn tăng, trong đó Liên minh châu Âu tăng 1,7%, Brazil tăng 5,5%, Việt Nam tăng 5,5%, Liên bang Nga tăng 2,4% và Anh tăng 5,4%.
Tuy nhiên, sản lượng lợn tại Hoa Kỳ giảm do nguồn cung thắt chặt, giá thức ăn chăn nuôi tăng và khó khăn về lao động. Sản lượng lợn ở Philippines, Myanmar và Hàn Quốc giảm xuống mức thấp hơn năm 2020 do tác động của dịch tả ASF vẫn bùng phát.
Tổng lượng thịt lợn xuất khẩu trên thế giới năm 2021 đạt khoảng 12,9 triệu tấn, ổn định so với năm 2020. Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc giảm do nước này đặt mục tiêu cân bằng nguồn tự cung cấp so với nhu cầu trong nước. Nhập khẩu thịt lợn của Anh, Liên minh châu Âu và Nhật Bản cũng giảm, trong khi nhập khẩu tăng ở Philipines, Mehico, Hoa Kỳ và Việt Nam.
Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ (USDA), năm 2022, sản lượng lợn của Hoa Kỳ sẽ giảm, sản lượng lợn ở Trung Quốc và châu Âu tăng; tính chung tổng sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2022 giảm so với năm 2021.
Điều này sẽ dẫn đến giá thịt lợn năm 2022 sẽ cao hơn so với năm 2021 ở nhiều thị trường, nhưng không phải trên toàn thế giới. Giá thức ăn chăn nuôi hiện đang ở mức cao sẽ hạn chế mở rộng chăn nuôi, do đó giá lợn sẽ tăng. Nguồn cung lợn hơi năm 2022 thấp hơn so với năm 2021 sẽ dẫn đến giá thịt lợn tương đương hoặc cao hơn năm 2021. Nhu cầu thịt lợn có khả năng tăng khi kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng.
Trở lại diễn biến thị trường lợn hơi trong nước, giá lợn hơi hôm nay 30/1/2022 tại thị trường 3 miền duy trì quanh mức 54.000 - 59.000 đồng/kg. Tuần này, giá lợn hơi tiếp tục tăng, có nơi tăng 4.000 đồng/kg. Cụ thể, các tỉnh miền Bắc như: Bắc Giang, Lào Cai, Thái Bình, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình và Tuyên Quang tăng 1.000 đồng/kg, hiện giao dịch trong khoảng 57.000 - 58.000 đồng/kg. Tương tự, Yên Bái, Bình Định, Phú Thọ và TP.Hà Nội tăng 2.000 đồng/kg lên khoảng 57.000 - 59.000 đồng/kg. Sau khi tăng 4.000 đồng/kg trong tuần này, thương lái tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận giá lợn hơi về mốc 58.000 đồng/kg. Như vậy, giá lợn hơi hôm nay 30/1/2022 tại thị trường miền Bắc đang giao dịch quanh mức 57.000 - 59.000 đồng/kg.
Tại miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay 30/1 tiếp tục thu mua quanh mức 56.000 - 58.000 đồng/kg. Tuần này, giá lợn hơi miền Trung tăng thêm 2.000 - 4.000 đồng/kg. Sau khi tăng 2.000 đồng/kg so với tuần trước, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận và Ninh Thuận đang thu mua lợn hơi trong khoảng 56.000 - 58.000 đồng/kg. Hà Tĩnh, Quảng Trị, Lâm Đồng và Đắk Lắk tăng 3.000 đồng/kg lên mức 57.000 đồng/kg.
Bình Định tăng 4.000 đồng/kg trong tuần này, hiện giao dịch tại mốc 58.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá cao nhất khu vực tính đến hiện tại.
Tại miền Nam, giá lợn hơi hôm nay tăng nhẹ 1.000 - 3.000 đồng/kg. Trong đó, Bình Phước, TP.HCM, Bình Dương, Vũng Tàu, Cần Thơ và Kiên Giang tuần này điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg, hiện thu mua heo hơi trong khoảng 55.000 - 57.000 đồng/kg. Tây Ninh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cà Mau, Trà Vinh và Sóc Trăng tăng 2.000 đồng/kg lên khoảng 55.000 - 57.000 đồng/kg. Hai tỉnh Bạc Liêu và Long An giá lợn hơi lần lượt là 56.000 đồng/kg và 57.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với tuần trước.
Năm 2022, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân tăng 4-5%; sản lượng thịt các loại đạt khoảng 6,44 triệu tấn, tăng khoảng 4% so với năm 2021. Trong đó, thịt lợn đạt khoảng 3,95 triệu tấn, tăng 3,6%; thịt gia cầm đạt khoảng 1,79 triệu tấn, tăng 5,1%; thịt bò đạt khoảng 510 nghìn tấn, tăng 3% so với năm 2021.
Năm 2022, dự báo chăn nuôi vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn thách thức do dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm 2021 tác động kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi năm 2022. Chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn xảy ra ở một số địa phương, tuy đã được khống chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Ngoài ra, vấn đề toàn cầu hóa về thị trường, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới trong bối cảnh thực hiện Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương với các nước, khối, khu vực trên thế giới, nhất là hiệp định CPTPP và EVFTA, hoạt động sản xuất và sản phẩm chăn nuôi mở ra nhiều cơ hội tiếp cận với thế giới đồng thời phải đối mặt với việc ngày càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Cạnh tranh ngày càng lớn về giá, về chất lượng, đa dạng sản phẩm trước bối cảnh sản phẩm chăn nuôi của Hoa Kỳ và châu Âu xuất khẩu vào thị trường Việt Nam.