Hợp tác xã nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long

Nguyên An Thứ sáu, ngày 07/04/2023 12:41 PM (GMT+7)
Đây là một trong bốn mục tiêu quan trọng của Đề án “Nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của hợp tác xã nông nghiệp vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 – 2025" tại quyết định 854/QĐ-TTg ngày 19/7/2022.
Bình luận 0

Ngày 6/4, tại TP Cần Thơ, Cục Kinh tế Hợp tác và phát triển nông thôn (KTHT&PTNT), Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Diễn đàn có sự tham gia của hơn 150 đại biểu đến từ các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, các tổ chức quốc tế, Dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo Xanh GIC -GIZ; Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Chi cục Phát triển nông thôn và đặc biệt hơn 40 Chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc hợp tác xã nông nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Hợp tác xã nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục Trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và phát triển nông thôn phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Đức Thịnh, Cục Trưởng Cục KTHT&PTNT cho biết: Diễn đàn được tổ chức nhằm thúc đẩy việc thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ nâng cao năng lực HTX nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL giai đoạn 2022 – 2025.

Đồng thời, thảo luận, thống nhất đến các địa phương, các doanh nghiệp, HTX và đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ tham gia thực hiện tốt các mục tiêu đề ra tại Đề án “Nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của hợp tác xã nông nghiệp vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 – 2025" tại quyết định 854/QĐ-TTg ngày 19/7/2022.

Tại diễn đàn, các đại biểu được giới thiệu về đổi mới sáng tạo trong mô hình lớp học kinh doanh cho nông dân, được cung cấp thông tin cụ thể từ các chuyên gia thông qua toạ đàm công bố chương trình lớp học kinh doanh cho nông dân/FBS: Nguồn gốc tài liệu, quá trình Tổ chức GIZ tổ chức tập huấn FBS ở các nước châu phi năm 2010 và những cải thiện, thay đổi để triển khai ở Việt Nam cũng sự phù hợp của chương trình FBS với định hướng của Bộ Nông nghiệp và PTNT về chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hình thành các nông dân chuyên nghiệp cũng như đánh giá bước đầu của các giảng viên, học viên nông dân thi kham gia lớp học và các thảo luận triển khai chương trình này trong thời gian tới từ đại diện Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Cần Thơ, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang…

Ông Dominik – Giám đốc Dự án GIC GIZ cho biết do mới triển khai  tập huấn FBS ở Việt Nam nên việc đánh giá tính hiệu quả, tác động của lớp tập huấn cần thêm thời gian cho bà con nông dân thực hành. Tuy nhiên FBS đã được tiến hành triển khai hơn 1 triệu nông dân từ năm 2010 ở địa bàn 14 nước Châu Phi cho thấy hiệu quả nâng cao thu nhập cho học viên đạt được từ 10 đến 40%. Ngoài việc tập huấn FBS trong chuỗi giá trị lúa gạo tại ĐBSCL, GIZ cũng đang mở rộng triển khai lớp tập huấn FBS tại Điện Biên và Sơn La đối với cà phê.

Theo ông Nguyễn Tiến Định – Trưởng Phòng Kinh tế Hợp tác (Cục KTHT&PTNT), mục tiêu chung của đề án trên là nâng cao năng lực chủ động áp dụng các biện pháp thích ứng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực, tận dụng cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại nhằm phát triển bền vững các hợp tác xã nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Hợp tác xã nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 2.

Diễn đàn Hợp tác xã nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, phấn đấu 100% hợp tác xã nông nghiệp vùng ĐBSCL được tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; mỗi tỉnh có từ 3 - 5 mô hình hợp tác xã nông nghiệp áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; thúc đẩy hợp tác xã nông nghiệp trong vùng áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; hình thành các diễn đàn chia sẻ về các mô hình thích ứng hiệu quả biến đổi khí hậu.

"Sau gần 9 tháng triển khai đề án, Cục KTHT&PTNT đã tổ chức đã hội nghị giới thiệu về đề án; phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL rà soát, xác định 134 HTX nông nghiệp tại ĐBSCL được dự án VnSAT hỗ trợ; 267 HTX, tổ hợp tác thuộc 6 tỉnh trong dự án thủy lợi Cái Lớn Cái Bé, để ưu tiên hỗ trợ xây dựng những mô hình điển hình thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, tổ chức diễn đàn thích ứng biến đổi khí hậu, đây sẽ là hoạt động thường niên của kế hoạch; phối hợp với các tổ chức quốc tế như GIZ xây dựng tài liệu hướng dẫn HTX áp dụng biện pháp canh tác giảm rác thải nhà kính; triển khai lớp học dữ liệu điện tử nông nghiệp…", ông Nguyễn Tiến Định cho biết thêm.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cam kết thúc đẩy việc triển khai và nhân rộng  FBS thông qua kế hoạch cụ thể như: việc chỉnh sửa, hoàn thiện tài liệu để áp dụng rộng rãi trong cả nước; các hoạt động tập huấn giảng viên ToT; truyền thông nhân rộng và xác dịnh nội dung FBS là một trong nội dung được triển khai trong lộ trình để thực hiện kế hoạch tri thức hoá nông dân, nông dân chuyên nghiệp

Diễn đàn cũng tổ chức toạ đàm công bố học liệu điện tử đào tạo nghề giám đốc hợp tác xã nông nghiệp: Để triển khai chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, đặc biệt là Chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho các hợp tác xã nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triẻn nông thôn đã xây dựng các chuẩn, chương trình, giáo trình, bộ đề thi và học liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin vào đào taọ. Hiện nay các địa phương đang triển khai thực hiện, bên cạnh những thuận lợi, còn gặp một số khó khăn trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo.

Để khắc phục khó khăn trong công tác đào tạo, năm 2022, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ xây dựng học liệu điện tử nghề giám đốc hơp tác xã nông nghiệp phục vụ cho công tác đào tạo nghề cho lao đông nông thôn ở các địa phương.

Hợp tác xã nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 3.

Công bố giới thiệu Chương trình lớp học kinh doanh cho nông dân (FBS) và Chương trình công bố học liệu điện tử đào tạo nghề giám đốc hợp tác xã.

Ông Lê Đức Thịnh chia sẻ: "Hôm nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố học liệu điện tử nghề giám đốc hợp tác xã nông nghiệp làm tài liệu đào tạo trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức lớp học, tạo điều kiện cho các học viên tham gia".

Diễn đàn cũng giành thời gian quan trọng để thảo luận về kế hoạch triển khai Đề án 854 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu và biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; đào tạo bồi dưỡng tập huấn nâng cao năng lực cho hợp tác xã nông nghiệp và các thành viên hợp tác xã; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu cho các hợp tác xã; Phát triển sinh kế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho các HTX nông nghiệp và thành viên hợp tác xã…

Lễ kỷ niệm chào mừng 77 năm Ngày hợp tác xã nông nghiệp Việt Nam cũng được tổ chức long trọng nhằm ôn lại nguồn gốc, ý nghĩa ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho điền chủ nông gia Việt Nam, tinh thần hợp tác "nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó" và các hoạt động giao lưu tặng ấn phẩm, sách và tài liệu để ghi nhận, tri ân các hợp tác xã nông nghiệp; chuyên gia có đóng góp cho phong trào phát triển hợp tác xã Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem