HoREA ‘hiến kế’ phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị

04/12/2019 05:42 GMT+7
Trong cơ cấu dân cư đô thị, người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp chiếm tỷ lệ lớn nhất và là nhóm có nhu cầu nhà ở rất lớn. Nhu cầu nhà ở lớn nhưng hiện nay một số chính sách hỗ trợ vẫn chưa giải quyết được các vấn đề bức thiết của người mua nhà.

Theo kết quả thực hiện chính sách nhà ở xã hội mà Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đưa ra, đến nay cả nước mới thực hiện được khoảng 33% kế hoạch phát triển nhà ở xã hội đã đề ra và có hơn 88.000 hộ gia đình lập được nhà ở xã hội.

Tuy rằng, TP. HCM đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ và dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành được 20.000 căn nhưng thực tế còn đang rất khó khăn. Do nguồn lực nhân sách có hạn, kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa nên vẫn thiếu nguồn cung nhà ở xã hội chưa thể đáp ứng được nhu cầu nhà ở rất lớn của xã hội, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM và các tỉnh công nghiệp hóa cao.

HoREA ‘hiến kế’ phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị - Ảnh 1.

Nhu cầu nhà ở xã hội vẫn còn rất lớn

HoREA cũng đánh giá rằng, "việc chấm dứt gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng (ngày 30/6/2016 đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; ngày 31/12/2016 đối với cá nhân), đã có tác động tiêu cực, gây khó khăn rất lớn đối với 2 đối tượng là chủ đầu tư đã ký hợp đồng vay gói tín dụng ưu đãi nhưng chưa giải ngân hết và người thu nhập thấp đã ký hợp đồng, giải ngân dang dở nhưng chưa nhận nhà.

Về việc chuẩn bị quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, Hiệp hội kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách thu được từ quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, chỉ để phát triển nhà ở xã hội mà thôi. Đồng thời, Hiệp hội kiến nghị sử dụng hiệu quả quỹ đất công để tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; và phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn để thực hiện thành công thiết chế nhà ở cho công nhân, lao động trước hết là tại các khu công nghiệp.

Đối với việc chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm duyệt thiết kế, thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy, thỏa thuận chiều cao tối đa các dự án nhà ở xã hội. HoREA cho rằng việc quy định dự án có quy mô từ 2.500 căn trở lên phải làm thủ tục gửi Bộ Xây dựng thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ đầu tư; công trình cấp 1 (trên 24 tầng, trên 74m), kể cả dự án nhà ở xã hội, đều phải được Cục Quản lý các hoạt động xây dựng Bộ Xây dựng thẩm duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công; Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy các công trình nhóm A; dự án công trình có chiều cao từ 100m trở lên; các dự án nhà cao tầng (từ 10 tầng trở lên) phải được Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng thỏa thuận cao độ tĩnh không,…

HoREA cho rằng các quy định này chưa hợp lý, nhất là đối với các dự án nhà ở xã hội cao tầng. Đồng thời kiến nghị UBND TP. HCM cho thực hiện thủ tục hành chính rút gọn để giải quyết nhanh các dự án đầu tư phát triển nhà ở xã hội; cho miễn thủ tục cấp Giấy phép xây dựng đối với dự án nhà ở xã hội sử dụng thiết kế mẫu nhà ở xã hội chung cư cao tầng đã được giải thưởng trong cuộc thi do Sở Xây dựng tổ chức. Kiến nghị giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư tất cả các dự án nhà ở xã hội, kể cả dự án từ 2.500 căn trở lên.

Hiệp hội kiến nghị Nhà nước có chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các dự án nhà ở xã hội. Riêng đối với các dự án nhà ở thương mại cho thuê giá thấp (giá 17 thuê khoảng từ 1,5 triệu - 3 triệu đồng/tháng) được tạm hoãn chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong vòng đời của dự án (do Luật Đất đai 2013 đã quy định không miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án nhà ở thương mại), được giảm thuế VAT còn 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10%, có chính sách tín dụng ưu đãi... thì còn có thể giảm thêm giá cho thuê loại nhà này, và thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp đô thị thuê được nhà ở giá rẻ.

Phương Thảo
Cùng chuyên mục