HoREA: Khuyến khích nhà đầu tư thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất để phát triển nhà ở xã hội

Quốc Hải Thứ năm, ngày 14/09/2023 10:45 AM (GMT+7)
Theo HoREA, rất cần thiết thực hiện xã hội hóa để khuyến khích và huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, xây dựng để đầu tư nhà ở xã hội.
Bình luận 0

Tiếp tục Góp ý một số điều của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội và Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đề xuất một loạt các phương án liên quan đến đầu tư, xây dựng và cả điều kiện để người dân có thể tiếp cận nhà ở xã hội (NƠXH).

Đề xuất giữ giải pháp "xã hội hóa" để phát triển nhà ở xã hội - Ảnh 1.

HoREA đề xuất giữ giải pháp "xã hội hóa" để phát triển nhà ở xã hội. Ảnh minh họa: Quốc Hải

Giữ giải pháp xã hội hóa để phát triển nhà ở xã hội

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận xét, khoản 1 Điều 81 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định "UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội..." là đúng nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, bên cạnh việc "UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội...", thì để phát triển các khu nhà ở xã hội tập trung, quy mô lớn, rất cần thiết thực hiện xã hội hóa để khuyến khích và huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế.

Theo ông Châu, hiện nay các nhà đầu tư đã "thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có" phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, xây dựng để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội tại nhiều địa điểm "rải rác" trên địa bàn cấp tỉnh, theo quy luật "cung - cầu" để đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của nhiều đối tượng.

Hơn nữa, nếu chỉ dựa vào nguồn lực ngân sách nhà nước (trích một phần tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) để phát triển nhà ở xã hội thì nguồn lực này rất nhỏ.

"Nguồn lực này không đáp ứng yêu cầu phát triển nhà ở xã hội rất lớn để thực hiện Chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030", Chủ tịch HoREA thẳng thắn.

Đề xuất giữ giải pháp "xã hội hóa" để phát triển nhà ở xã hội - Ảnh 2.

Một dự án nhà ở xã hội đang trong quá trình xây dựng ở TP. Thủ Đức. Ảnh: Quang Duy

Vì vậy, HoREA đề nghị bổ sung quy định "khuyến khích nhà đầu tư thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có theo quy định của pháp luật về đất đai phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, xây dựng để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội.

Đồng thời, HoREA cũng đề nghị chọn "Phương án 1" quy định "khoản 2 và khoản 3" Điều 81 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)".

HoREA cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 78 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

"Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội làm việc tại các khu công nghiệp thuê thì Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam xác định chủ đầu tư theo đề nghị của Ban Quản lý Dự án thiết chế công đoàn theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về xây dựng. Chính phủ quy định chi tiết khoản này", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, kiến nghị.

Hiện, nội dung "Phương án 1" đã vừa kế thừa tinh thần của khoản 2 Điều 16 Luật Nhà ở 2014 quy định "chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội".

Hơn nữa, "Phương án 1" cũng khắc phục được "bất cập, hạn chế" của các quy định tại Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và khoản 4 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP về tiêu chí áp dụng đối với dự án nhà ở thương mại dưới 10 (hoặc 02) héc-ta hoặc từ 10 (hoặc 02) héc-ta trở lên, hoặc cơ chế hoán đổi nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng quỹ đất, quỹ nhà ở có giá trị tương đương, hoặc thanh toán bằng tiền.

Đề xuất giữ giải pháp "xã hội hóa" để phát triển nhà ở xã hội - Ảnh 4.

HoREA cũng kiến nghị sửa điều kiện nộp thuế để "siết" tiêu chuẩn mua, thuê mua nhà ở xã hội. Ảnh: Quang Duy

"Các nội dung này đã được "luật hóa" cụ thể tại "Phương án 1", vừa khắc phục được tình trạng "văn bản dưới luật" quy định "khác luật" hoặc không phù hợp với luật, như trường hợp khoản 4 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định 100/2015/NĐ-CP) quy định "rất khác" với Điều 5 Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Hoặc, Điều 5 Nghị định 100/2015/NĐ-CP và khoản 4 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định 100/2015/NĐ-CP) đều không phù hợp với khoản 2 Điều 16 Luật Nhà ở 2014", Chủ tịch HoREA, dẫn chứng.

Sửa điều kiện nộp thuế để "siết" tiêu chuẩn mua, thuê mua nhà ở xã hội

Một vấn đề khá quan trọng, đó là HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định điều kiện về thu nhập của các đối tượng để được mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập hoặc chịu thuế thu nhập bậc 1 theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh rằng, trong thực tế, nhiều người làm thêm nghề tay trái, mà nghề tay trái này lại tạo ra thu nhập cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều lần so với thu nhập của nghề tay phải thể hiện trên bảng tiền lương, tiền công chính thức.

Thế nên, những người này vẫn hội đủ tiêu chí điều kiện về thu nhập (không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân) để được mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Hiện, Luật Nhà ở chỉ quy định đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương, mà không tính các khoản thu nhập khác không phải là tiền công, tiền lương.

Do đó, HoREA cho rằng, rất cần thiết sửa đổi Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân và điểm b khoản 1 Điều 76 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Cụ thể, cho phép đối tượng chịu thuế thu nhập bậc 1 theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương trong thời hạn theo quy định của Chính phủ; đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 74 của Luật này thì phải thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Chính phủ.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung khoản 7 và khoản 8 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định các trường hợp miễn thuế thu nhập cá nhân đối với một số khoản thu nhập từ lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng hoặc thu nhập từ kiều hối.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem