HSG của "vua tôn" Hoa Sen được cấp margin trở lại sau 7 tháng

27/12/2023 14:48 GMT+7
Sở Giao dịch Chứng Khoán TP.HCM (HoSE) vừa công bố ra quyết định về việc đưa cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) ra khỏi danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.

Theo đó, lý do HSG được HoSE cấp margin trở lại là vì Tập đoàn Hoa Sen đã khắc phục tình trạng không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.

Trước đó, vào hồi cuối tháng 5/2023, HoSE đã đưa cổ phiếu HSG vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng (niên độ tài chính 2022-2023) là số âm. Cụ thể là doanh thu của HSG trong nửa đầu niên độ là 14.898 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã giảm 49,7%. Sau khi khấu trừ các loại chi phí, doanh nghiệp lỗ sau thuế hơn 424 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ niên độ trước lãi 873 tỷ đồng.

HSG của "vua tôn" Hoa Sen được cấp margin trở lại sau 7 tháng - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh hợp nhất NĐTC 2022 - 2-23 đã kiểm toán

Mới đây, Tập đoàn Hoa Sen vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất của niên độ tài chính 2022-2023 (từ ngày 1/10/2022 đến ngày 30/9/2023), được kiểm toán bởi Công ty KPMG Việt Nam.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán vừa công bố, niên độ tài chính 2022-2023, Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần sau kiểm toán biến động không đáng kể, đạt hơn 31.650 tỷ đồng.

Theo đó, biến động được ghi nhận tại các hạng mục như: Giá vốn bán hàng giảm 3 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại giảm 7,6 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 8,4 tỷ đồng.

Với những biến động kể trên, lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen trong niên độ 2022-2023 đã tăng thêm 1,69 tỷ đồng sau kiểm toán, lên mức 30 tỷ đồng. So với cùng kỳ, mức lợi nhuận này đã thấp hơn 88% do doanh thu bán hàng giảm.

Tập đoàn Hoa Sen rót vốn vào bất động sản, tìm kiếm dự án 1.000 - 3.000 tỷ đồng

Mới đây, hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen vừa thông qua nghị quyết góp vốn để thành lập Công ty Cổ phần Hoa Sen Sài Gòn. 

Theo đó, Hoa Sen Sài Gòn dự kiến có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, bao gồm 40 tỷ đồng vốn góp của HSG và 60 tỷ đồng của các cổ đông sáng lập khác. Dù chỉ nắm 40% vốn, công ty này vẫn mang thương hiệu Hoa Sen.

Theo Tập đoàn Hoa Sen, việc góp vốn thành lập Hoa Sen Sài Gòn nhằm tìm kiếm bất động sản có giá trị 1.000 – 3.000 tỷ đồng để phát triển các dự án văn phòng – trung tâm thương mại – nhà ở, bố trí văn phòng làm việc cho tập đoàn, cho thuê, hoặc xem xét chuyển nhượng (nếu điều kiện phù hợp).

Hoa Sen sẽ bắt đầu góp vốn vào Công ty Cổ phần Hoa Sen Sài Gòn từ tháng 1/2024

Trên thị trường chứng khoán, tại phiên giao dịch đầu giờ chiều ngày 27/12, giá cổ phiếu HSG tăng 1,36% so với phiên giao dịch liền kề lên 22.400 đồng/cổ phiếu.


Phương Thảo
Cùng chuyên mục