Huawei mong chính quyền Biden "nhẹ tay"
“Chúng tôi muốn có cuộc thảo luận riêng biệt với chính quyền Mỹ (thay vì thảo luận chung với Bắc Kinh). Chúng tôi không muốn bị cuốn vào cuộc thảo luận (giữa Washington và Bắc Kinh)” - trích lời ông Tim Danks, phó chủ tịch quản lý rủi ro và quan hệ đối tác tại Mỹ của Huawei.
Theo ông Tim, kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 1 đến nay, Huawei vẫn chưa có cuộc trao đổi nào với tân chính quyền nhưng hy vọng sẽ sớm bắt đầu thảo luận. "Chúng tôi nghĩ vấn đề Huawei là câu chuyện riêng biệt cần được giải quyết riêng biệt (với mâu thuẫn địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc). Nếu có thể thảo luận riêng như vậy, chúng tôi hy vọng sẽ đưa ra được các giải pháp thực tế về những lo ngại của chính phủ Mỹ và cùng nhau tìm ra hướng đi".
Huawei đã trải qua những năm đầy thử thách khi chính quyền Trump áp đặt hàng loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu cùng một số hạn chế khác bao gồm đưa Huawei vào danh sách đen hồi tháng 5/2019 do cáo buộc gây ra mối đe dọa an ninh với nước Mỹ. Huawei hy vọng chính quyền Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể điều chỉnh và cấp các giấy phép xuất khẩu tạm thời như một biện pháp nới lỏng kiểm soát xuất khẩu để cho phép các nhà cung cấp ở Mỹ tiếp tục bán hàng cho công ty này.
Vào tháng 1/2021, ứng cử viên Bộ trưởng Thương mại của Tân Tổng thống Biden, bà Gina Raimondo cho biết sẽ "xem xét" chính sách thời Trump về việc đưa Huawei vào danh sách đen. "Với tư cách là Bộ trưởng Thương mại, tôi sẽ sử dụng toàn bộ thẩm quyền để bảo vệ nước Mỹ và chuỗi cung ứng của chúng ta khỏi sự can thiệp của Trung Quốc hay bất kỳ ảnh hưởng sân sau nào khác, dù là Huawei, ZTE hay bất kỳ công ty nào khác” - bà Gina nhấn mạnh. Khi được hỏi có duy trì Huawei trong danh sách đen hay không, bà Gina tuyên bố sẽ xem xét lại chính sách và tham vấn ý kiến các ngành công nghiệp, các đồng minh để đưa ra quyết định tốt nhất cho công dân Mỹ và an ninh kinh tế.
Dưới thời Trump, Mỹ đã thắt chặt các hạn chế thương mại đối với Huawei, làm hạn chế đáng kể khả năng tiếp cận của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc với các nhà cung cấp tại Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung, bao gồm cả nhà cung cấp chủ lực TSMC. Việc thiếu nguồn cung chip trầm trọng đã buộc Huawei bán bớt thương hiệu smartphone giá rẻ Honor vào tháng 11/2020 và hướng tới giảm một nửa sản lượng sản xuất trong năm nay.
TSMC là nhà sản xuất bộ vi xử lý di động Kirin 9000 hỗ trợ mạng 5G của Huawei, nhưng lệnh cấm từ chính quyền Trump đã làm ngừng hoàn toàn các lô hàng chip này từ tháng 9 năm ngoái. Huawei được cho là đã dự trữ khoảng 20 triệu chipset Kirin 9000 5G trước khi mất quyền truy cập vào chuỗi cung ứng chip vowis TSMC, theo Nikkei. Trừ khi chính quyền Biden nới lỏng các hạn chế này, nếu không chipset Kirin 5G dùng trong hầu hết các dòng smartphone cao cấp của Huawei sẽ “cạn kiệt”.
Lệnh hạn chế xuất khẩu công nghệ của Mỹ cũng cắt đứt quyền truy cập của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vào hệ điều hành Google Android, buộc Huawei phải phát triển hệ điều hành của riêng mình mang tên HarmonyOS. Bắt đầu từ tháng 4/2021, dòng smartphone mới nhất là Huawei Mate X2 - cùng với các dòng smartphone hiện có của hãng sẽ được cập nhật để chạy trên hệ điều hành HarmonyOS, theo một tuyên bố của Huawei hồi đầu tuần này.
Phó Chủ tịch Tim Danks cho biết Huawei cũng hy vọng sẽ thảo luận với chính quyền Biden về vụ việc giam giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Huawei đồng thời là ái nữ của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. Bà Mạnh Vãn Châu hiện đang bị quản thúc tại gia ở Vancouver và chờ phán quyết về việc dẫn độ sang Mỹ. Bà Mạnh Vãn Châu bị bắt tại Canada theo lệnh bắt của Mỹ vào năm 2018.