Hưng Yên: Trồng cam, chuối, huyện nghèo này xuất hiện nhan nhản triệu phú, tỷ phú "chân đất"

Hải Đăng Chủ nhật, ngày 08/11/2020 13:42 PM (GMT+7)
Từ một huyện thuần nông quanh năm chỉ trồng lúa, trồng đay, nhờ có giải pháp chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, đến giờ các xã của huyện Kim Động (Hưng Yên) đã thay da, đổi thịt. Đặc biệt, các xã nghèo ở huyện này đến giờ xuất hiện rất nhiều triệu phú, tỷ phú "chân đất" khiến ai cũng phải bất ngờ.
Bình luận 0
Nhờ trồng cây nhiều múi, huyện nghèo bỗng chốc xuất hiện nhan nhản triệu, tỷ phú "chân đất" ở Hưng Yên - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Phóng - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trao Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 cho huyện Kim Động.

Huyện nghèo của Hưng Yên bứt tốc cán đích sớm

Ngày 7/11/2020, đến dự Lễ đón Bằng công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2019 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba tại huyện Kim Động (Hưng Yên), chúng tôi thấy cán bộ, lãnh đạo chính quyền các xã, huyện và nhân dân ai cũng phấn khởi, tay bắt mặt mừng.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Văn Phúc - Chủ tịch UBND huyện Kim Động cười bảo: "Khi bắt tay vào làm NTM mọi người đều thấy mới lạ, khó khăn nhưng giờ "hái" được quả ngọt rồi ai cũng bất ngờ, phấn khởi".

Ông Phúc cho hay: Trong quá trình xây dựng NTM, toàn huyện đã huy động trên 3.700 tỷ đồng đầu tư xây dựng, nâng cấp hơn 410 km đường giao thông. Trong đó nhân dân đóng góp 35 tỷ đồng xây dựng công trình công ích, hiến trên 26.000m2 đất làm đường giao thông và công trình phúc lợi. Hệ thống công trình thủy lợi được cải thiện phục vụ tưới tiêu bảo đảm cho 100% diện tích đất sản xuất trong đồng.

Hiện nay hạ tầng đô thị, nông thôn ở Kim Động có nhiều khởi sắc với 100% người dân có nhà ở đạt chuẩn; đặc biệt tuyến đường đê tả sông Hồng, đường nối 2 đường cao tốc; đường chân đê được đầu tư hoàn thiện, 190 km đường điện hạ thế được xây dựng.

Theo ông Phúc, qua 9 năm triển khai xây dựng NTM, đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Kim Động đạt hơn 9,5%; thu nhập bình quân ở nông thôn đạt 53 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 2%.

"Để có được kết quả này cũng là nhờ sự đoàn kết, đồng lòng của cán bộ, lãnh đạo chính quyền và nhân dân toàn huyện", ông Phúc khẳng định.

Trên địa bàn huyện hiện có 3 khu công nghiệp, 7 cụm công nghiệp được quy hoạch và thành lập với diện tích trên 1.000ha và đã thu hút được 51 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động.

Huyện đang phát triển công nghiệp tại các xã ven Quốc lộ 39A và đường nối 2 cao tốc (Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình), đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng. Ngoài ra còn có 3 làng nghề đang hoạt động với gần 500 hộ, 7 doanh nghiệp, 2 tổ hợp tác tham gia sản xuất trong làng nghề, thu hút được hàng nghìn lao động tham gia, doanh thu hàng năm đạt hơn 30 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động trong làng nghề đạt gần 55 triệu đồng/người/năm.

Từ một huyện thuần nông, sau nhiều nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện trên địa bàn Kim Động đã xây dựng thành công nhiều mô hình trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như mô hình trồng cam, bưởi, chuối...

Nhiều cánh đồng mẫu lớn đã được hình thành như vùng chuyên trồng cây ăn quả trên 1.500ha, vùng trồng cây rau màu trên 1.000ha, vùng trồng cây dược liệu hơn 80ha.

Điển hình như vùng sản xuất cây có múi cam, bưởi tại các xã Đồng Thanh, Vĩnh Xá với diện tích trên 300ha; vùng trồng chuối tập trung tại các xã Hùng An, Ngọc Thanh, Đức Hợp, Mai Động hơn 200ha. 

Bước đầu hình thành những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và được cấp chứng nhận VietAP như: nhãn của Hợp tác xã nhãn lồng đặc sản xã Vĩnh Xá với diện tích 10 ha; cam của Hợp tác xã rau quả xã Đồng Thanh trên 30 ha; cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa hàng hóa, gắn với tiêu thụ sản phẩm tại các xã Thọ Vinh, Hùng An, Vĩnh Xá.

Hiện toàn huyện có hơn 1.700 trang trại, gia trại; trong đó có hơn 300 trang trại đạt doanh thu trên 500 triệu đồng/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện đạt hơn 1.250 tỷ đồng tăng hơn 900 tỷ đồng so với năm 2011, giá trị thu trên ha canh tác đạt trên 200 triệu đồng/năm.

"Giờ ở trong và ngoài xã chúng tôi có rất nhiều các triệu phú, tỷ phú nhờ trồng cây ăn quả và chăn nuôi trang trại" - Chủ tịch UBND xã Đồng Thanh Hoàng Minh Tuấn tiết lộ.

Nhờ trồng cây nhiều múi, huyện nghèo bỗng chốc xuất hiện nhan nhản triệu, tỷ phú "chân đất" ở Hưng Yên - Ảnh 3.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Trần Quốc Toản - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kim Động.

Hướng đến sản xuất quy mô lớn

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Phóng - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho rằng: Dù đã đạt được thành tích cao và cán đích NTM nhưng Kim Động không được lơ là, chủ quan mà cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để nâng cao các tiêu chí NTM và tăng thu nhập cho người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên lưu ý Kim Động cần xác định kinh tế chủ lực của huyện trong 5 năm tới vẫn là sản xuất nông nghiệp, sản xuất quy mô lớn. 

Theo đó, huyện cần tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp đất đai và trình độ sản xuất thâm canh của từng vùng và nhu cầu của thị trường.

"Với phương châm "cứ đâu trồng đay được thì ở đó trồng cây ăn quả", nên huyện cần chuyển đổi những diện tích vùng bãi xưa kia trồng đay hiện đang trồng màu hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả", ông Phóng nói.

Trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Phóng yêu cầu huyện Kim Động cần xây dựng nông nghiệp gắn với công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi, phổ biến, quan tâm phát triển các hợp tác xã sản xuất; nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển nhanh diện tích cây cam ở xã Đồng Thanh, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, cây hoa ở Vũ Xá; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP)...

Nhờ trồng cây nhiều múi, huyện nghèo bỗng chốc xuất hiện nhan nhản triệu, tỷ phú "chân đất" ở Hưng Yên - Ảnh 4.

Mô hình trồng cây ăn quả đang mang lại thu nhập cao cho người dân tại các xã của huyện Kim Động (Hưng Yên).

Trong xây dựng NTM, ông Phóng gợi ý thêm, huyện Kim Động cần phấn đấu xây dựng hạ tầng nông thôn theo hướng "phố trong làng", gắn kết hài hòa nông thôn với đô thị, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng.

"Kim Động cần tập trung xây dựng quy hoạch vùng huyện đồng bộ với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch ngành, lĩnh vực liên quan, quản lý tốt quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch hạ tầng giao thông, đô thị..." - ông Phóng nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 6/11, huyện Kim Động đã tổ chức hội nghị công bố quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2035 và xúc tiến đầu tư.

Hội nghị đã công bố Quyết định số 2637/QĐ-UBND ngày 19/11/2019 của UBND tỉnh phê duyệt Đồ án lập Quy hoạch xây dựng vùng huyện Kim Động đến năm 2035. Đồ án nhằm cụ thể hóa Đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hưng Yên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các kế hoạch phát triển của huyện Kim Động đến năm 2020; chương trình phát triển đô thị tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030. 

Đồ án định hướng phát triển không gian vùng, định hướng phát triển đối với các khu vực đô thị, định hướng quy hoạch khu vực phát triển đô thị, định hướng quy hoạch hệ thống giao thông...

Theo kế hoạch, Kim Động đặt mục tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt trên 63 triệu đồng/người/năm; 100% số hộ dân được sử dụng nước sạch; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%; 100% số xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có ít nhất 3 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu đạt ít nhất 5 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem