Hưởng ưu đãi từ hiệp định RCEP, doanh nghiệp Việt vẫn phải “lớn”

20/11/2020 20:53 GMT+7
Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, tuy hiệp định RCEP không có những yêu cầu khắt khe như các FTA khác nhưng doanh nghiệp Việt không thể “dậm chân tại chỗ”.

Cụ thể, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, hiệp định RCEP giống như một con đường hai chiều với ưu đãi thuế quan xuất khẩu cho các mặt hàng của ASEAN vào các nước như Australia, Nhật Bản, Trung Quốc và ngược lại.

Do đó, áp lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước ngay trên "sân nhà" lại càng lớn khi sản phẩm giá rẻ, chất lượng cao của những nước nói trên "đổ bộ" vào Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh, doanh nghiệp Việt Nam có tới khoảng 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ với năng lực chỉ hơn Lào, Campuchia, Myanmar.

"Sản phẩm của họ rẻ thì người tiêu dùng được hưởng lợi nhưng với người sản xuất, kinh doanh lại chịu áp lực lớn. Rất mong Chính phủ cắt giảm các giấy phép con, đẩy mạnh sang sử dụng nền kinh tế số thì chúng ta có thể cạnh tranh được", Ts Lê Đăng Doanh nhận định.

Hưởng ưu đãi từ hiệp định RCEP, doanh nghiệp Việt vẫn phải “lớn” - Ảnh 1.

Nhiều ngành hàng của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt trên "sân nhà" do các sản phẩm nhập khẩu được hưởng ưu đãi từ HIệp định RCEP.

Chia sẻ về áp lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho hay, ngoài Hiệp định RCEP, Việt Nam đã có FTA trước với mức độ cao hơn.

Điển hình như Nhật Bản đã có FTA song phương, FTA khu vực giữa ASEAN - Nhật Bản, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Do đó, mức độ mở cửa thị trường gần như 100% với lộ trình đi rất nhanh.

"Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sớm tiếp cận và khai thác tối ưu những cơ hội, thuận lợi mà Hiệp định RCEP đem lại, Bộ Công Thương đã chuẩn bị lộ trình triển khai các kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến Hiệp định đến các đơn vị, tổ chức có liên quan và các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cụ thể, Bộ đã xây dựng và chuẩn bị triển khai kế hoạch tuyên truyền, giới thiệu các thông tin về Hiệp định, xây dựng các buổi tập huấn bổ sung kiến thức về Hiệp định cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước", ông Thái thông tin.

Hưởng ưu đãi từ hiệp định RCEP, doanh nghiệp Việt vẫn phải “lớn” - Ảnh 2.

Hiệp định RCEP được ký kết trong bối cảnh nền kinh tế quốc tế vẫn còn nhiều khó khăn do đại dịch Covid - 19 gây ra.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết thêm, khi thực thi RCEP, với tất cả các nước ASEAN, doanh nghiệp sẽ chỉ phải sử dụng 1 quy tắc xuất xứ thay vì 5 bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các FTA trước đây.

Tương tự, các quy tắc về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại cũng được thống nhất và tăng cường. Do đó, về cơ bản sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường hay áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Với góc độ hài hòa các quy định hiện có của các Hiệp định ASEAN đã có với các đối tác, Hiệp định RCEP được coi là có giá trị cao trong việc giảm chi phí giao dịch, thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường vị trí trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các xung đột về thương mại trong khu vực.

Chẳng hạn như doanh nghiệp vừa và nhỏ của các nước ASEAN; trong đó có Việt Nam khó tận dụng được ưu đãi do có nhiều quy định khác nhau giữa Hiệp định của ASEAN và các nước đối tác. Tuy nhiên, với Hiệp định RCEP, các khó khăn này sẽ giảm đi do sẽ chỉ dùng chung một bộ quy tắc duy nhất và cho phép cộng gộp hàm lượng từ tất cả các nước trong khu vực", bà Nga cho hay.

Hiệp định RCEP giúp Trung Quốc mở rộng không gian xuất khẩu
Thanh Phong
Cùng chuyên mục