Hút ròng 84.000 tỷ: Ngân hàng Nhà nước "giải bài toán" thừa tiền tại các ngân hàng

28/06/2022 09:22 GMT+7
Trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã bất ngờ khởi động lại kênh phát hành tín phiếu trên hoạt động thị trường mở sau hơn hai năm ngừng hoạt động này nhằm hỗ trợ thanh khoản.

Ngân hàng Nhà nước bất ngờ khởi động lại kênh phát hành tín phiếu trên OMO

Theo đó, sau phiên thăm dò đầu tiên chỉ với 200 tỷ đồng hút về với lãi suất 0,3%, quy mô ở kênh điều tiết này nhanh chóng gia tăng cấp độ trong những ngày tiếp theo.

Cụ thể, trong 3 phiên liền trước, NHNN thực hiện hút ròng lần lượt gần 20.000 tỷ đồng ngày 24/6; gần 30.000 tỷ đồng vào ngày 23/6 và 19.400 tỷ đồng ngày 22/6.

Tính chung, tổng lượng tiền Ngân hàng Nhà nước hút ròng qua kênh tín phiếu đạt 69,8 nghìn đồng, với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất bình quân 0,7%.

Đáng chú ý, trong đợt điều tiết lần này, Ngân hàng Nhà nước đã không ấn định lãi suất phát hành như những trước đó mà sử dụng hình thức đấu thầu lãi suất.

Thanh khoản dư thừa trong hệ thống khiến lãi suất phát hành chỉ ở mức 0,7% - thấp hơn nhiều so với lãi suất kỳ hạn 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng.

Nghiệp vụ mua kỳ hạn cũng được thực hiện trong tuần trước với khối lượng hạn chế, vào khoảng 530 tỷ đồng, kỳ hạn 14 ngày ở lãi suất 2,5%.

Tính chung trong tuần, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tổng 70,2 nghìn tỷ đồng thông qua hoạt động thị trường mở.

Lãi suất liên ngân hàng nhờ vậy đã tăng nhẹ, với kỳ hạn qua đêm kết tuần ở 0,66% (tăng 9 điểm cơ bản) và 1 tuần ở 1,46% (tăng 12 điểm cơ bản).

Hút ròng 84.000 tỷ: Ngân hàng Nhà nước "giải bài toán" thừa tiền tại các ngân hàng - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước đã bất ngờ khởi động lại kênh phát hành tín phiếu trên hoạt động thị trường mở sau hơn hai năm ngừng hoạt động này nhằm hỗ trợ thanh khoản. (Nguồn: SSI)

Trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần này (27/6), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán thành công 15.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 0,65% - thấp hơn so với tuần trước.

Cũng trong ngày này, Ngân hàng Nhà nước thực hiện mua kỳ hạn 123 tỷ đồng. Như vậy, kể từ đầu tuần trước đến nay, Ngân hàng Nhà nước hút ròng khoảng 84.000 tỷ qua kênh tín phiếu.

Chênh lệch giữa lãi suất VND và USD thu hẹp

Thông điệp của Ngân hàng Nhà nước đối với điều hành chính sách tiền tệ trong nhiều năm trở lại đây là chủ động và linh hoạt.

Hút ròng 84.000 tỷ: Ngân hàng Nhà nước "giải bài toán" thừa tiền tại các ngân hàng - Ảnh 2.

Nguồn: SSI

Trên thực tế, theo bộ phận nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán SSI, động thái nhanh chóng hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp trong ngắn hạn nhằm giảm áp lực lên đồng VND và cũng các giúp ngân hàng thương mại giải quyết vấn đề thừa thanh khoản tiền Đồng.

Trong thời gian qua, trần tăng trưởng tín dụng chưa được nới khiến thanh khoản tiền Đồng thừa và đã đẩy lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng xuống thấp. Chênh lệch âm giữa lãi suất VND và USD giảm xuống dưới 0% và khiến nhu cầu nắm giữ USD nhanh chóng tăng trong hệ thống.

"Việc hút bớt tiền Đồng thông qua kênh tín phiếu sẽ phần nào thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất VND và USD và do vậy giảm bớt áp lực lên VND, giúp Ngân hàng Nhà nước có dư địa điều hành trong trung hạn", bộ phận nghiên cứu SSI nhận định.

Ngân hàng Nhà nước trong cuộc họp đầu năm đã phát tín hiệu không tăng lãi suất điều hành trong năm 2022 nhằm hỗ trợ nền kinh tế sau Covid. Tuy nhiên, áp lực về lạm phát và việc đẩy nhanh tốc độ thắt chặt chính sách của các NHTW lớn đã tạo áp lực đến điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Các động thái vừa qua của Ngân hàng Nhà nước trên hoạt động thị trường mở, nghiệp vụ mua/bán ngoại tệ và trần tín dụng đã nghiêng hơn nhiều về phía thắt chặt mặc dù điều này cần được quan sát thêm – theo các chuyên gia.

Hút ròng 84.000 tỷ: Ngân hàng Nhà nước "giải bài toán" thừa tiền tại các ngân hàng - Ảnh 3.

Việc hút bớt tiền Đồng thông qua kênh tín phiếu sẽ phần nào thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất VND và USD. (Ảnh: Thanhnien)

Mặc dù chịu áp lực, song các chuyên gia SSI cũng đã chỉ ra một số điểm tích cực trong công tác điều hành chính sách tiền tệ.

Thứ nhất, bộ đệm dự trữ ngoại hối đã được Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị khá tốt trong nhiều năm trở lại đây.

Tính đến năm 2021, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã vượt tỷ lệ tối thiểu của IMF. Điều này giúp Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng nếu cần thiết.

Thứ 2, áp lực lạm phát đối với 6 tháng còn lại của 2022 là có tuy nhiên không lớn do lạm phát bình quân năm 2022 vẫn dễ dàng thấp hơn 4% trong điều kiện duy trì như hiện tại, và giúp Ngân hàng Nhà nước có thể duy trì lãi suất điều hành ổn định.

Trong ngắn hạn, thanh khoản cuối quý sẽ không chịu áp lực như trước và Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục thực hiện nghiệp vụ bán tín phiếu để duy trì chênh lệch lãi suất USD-VND ở mức hợp lý.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục