IPP Air Cargo bị đề nghị rà soát quốc tịch cổ đông – Những điều ít biết về cổ đông Liên Thái Bình Dương

05/09/2022 17:56 GMT+7
Theo tài liệu IPP Air Cargo cung cấp, 4 cổ đông sáng lập bao gồm Liên Thái Bình Dương, Thương mại Duy Anh, bà Lê Hồng Thủy Tiên, và ông Nguyễn William Hiếu nắm giữ 100% vốn IPP Air Cargo. Như vậy, bản công bố thông tin của IPP Air Cargo trên Cổng thông tin quốc gia có sai sót số liệu.

IPP Air Cargo bị đề nghị rà soát quốc tịch cổ đông

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ liên quan đến đề xuất cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không IPP Air Cargo.

Theo đó, về tư cách pháp lý của nhà đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị rà soát, kiểm tra về tình trạng quốc tịch của các cổ đông góp vốn tại IPP Air Cargo để xác định điều kiện tiếp cận thị trường, thủ tục đầu tư.

Trường hợp có cá nhân mang 2 quốc tịch, thì việc lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định đối với nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định 31/2021 về hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Giao thông Vận tải, các cổ đông của IPP Air Cargo đều là cá nhân có quốc tịch Việt Nam nên công ty này là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, không có vốn đầu tư nước ngoài.

Do đó, dự án đầu tư kinh doanh vận tải hàng hóa bằng đường hàng không của IPP Air Cargo là dự án đầu tư trong nước, không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Đầu tư, dự án đầu tư kinh doanh vận tải hàng hóa bằng đường hàng không của IPP Air Cargo thuộc trường hợp không phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

IPP Air Cargo bị đề nghị rà soát quốc tịch cổ đông – Những điều ít biết về cổ đông Liên Thái Bình Dương - Ảnh 1.

IPP Air Cargo. Ảnh: IPP

Những điều ít biết về cổ đông của IPP Air Cargo – Công ty Liên Thái Bình Dương

Bản công bố thông tin đăng ký thành lập mới của CTCP IPP Air Cargo (IPP Air Cargo) trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, IPP Air Cargo được thành lập vào tháng 3/2021, với vốn điều lệ 300 tỷ đồng.

4 cổ đông sáng lập được nêu trong bản công bố thông tin chỉ nắm giữ 0,1% vốn điều lệ của IPP Air Cargo gồm: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (Liên Thái Bình Dương) góp 210 triệu đồng; Công ty TNHH Thương mại Duy Anh góp 30 triệu đồng, bà Lê Hồng Thủy Tiên góp 30 triệu đồng và ông Nguyễn William Hiếu góp 30 triệu đồng.

Nếu bản công bố thông tin nói trên không có bất kỳ sai sót nào về số liệu, điều này đồng nghĩa 99,9% vốn của IPP Air Cargo thuộc về chủ sở hữu/cổ đông khác nắm giữ, chưa được tiết lộ.

IPP Air Cargo bị đề nghị rà soát quốc tịch cổ đông – Những điều ít biết về cổ đông Liên Thái Bình Dương - Ảnh 2.

Trích bản công bố thông tin đăng ký thành lập mới của CTCP IPP Air Cargo (IPP Air Cargo) trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Tuy nhiên, thông tin mới nhất từ nguồn tài liệu do IPP Air Cargo cung cấp cho Etime cho thấy, 4 cổ đông sáng lập bao gồm Liên Thái Bình Dương, Thương mại Duy Anh, bà Lê Hồng Thủy Tiên, và ông Nguyễn William Hiếu nắm giữ 100% vốn IPP Air Cargo. Như vậy, bản công bố thông tin của IPP Air Cargo trên Cổng thông tin quốc gia có sai sót số liệu.
IPP Air Cargo bị đề nghị rà soát quốc tịch cổ đông – Những điều ít biết về cổ đông Liên Thái Bình Dương - Ảnh 4.

Cổ đông sáng lập của IPP Air Cargo do IPP Air Cargo cung cấp.

Dữ liệu của Etime cho biết, riêng đối với cổ đông Liên Thái Bình Dương được thành lập vào tháng 10/2002. Ở thời điểm tháng 5/2013, vốn điều lệ của Liên Thái Bình Dương là 600 tỷ đồng, được góp bởi 2 cổ đông là ông Johnathan Hạnh Nguyễn (đăng hộ khẩu thường trú tại Manila Philippines và cả Việt Nam) góp 90% vốn và bà Lê Hồng Thủy Tiên góp 10% vốn.

Tháng 8/2017, vốn điều lệ của Liên Thái Bình Dương ở mức 3.000 tỷ đồng với 100% vốn tư nhân trong nước, được góp vốn bởi 4 cổ đông. Cụ thể, ông Hạnh Nguyễn góp 1%, bà Lê Hồng Thủy Tiên góp 59% vốn, ông Nguyễn Phi Long (còn được biết đế là Nguyễn Phillip Serrano) góp 20% vốn, và ông Nguyễn Quốc Khánh (còn được biết đến Nguyễn Louis Serrano) góp 20% vốn. Đến cuối năm 2020, vốn điều lệ của Liên Thái Bình Dương vẫn là 3.000 tỷ đồng.

Tháng 5/2018, bà Lê Hồng Thủy Tiên và Công ty Liên Thái Bình Dương đã ký hợp đồng thế chấp phần vốn góp giữa Lotte Duty Free Singapore Pte., Ltd., Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Liên Thái Bình Dương, Công ty TNHH Kinh doanh Miễn Thuế Phú Xuân, Công ty TNHH Thương Mại Duy Anh và bà Lê Hồng Thủy Tiên. Theo đó, bên nhận đảm bảo là Lotte Duty Free Singapore PTE., LTD.

Một phần nội dung tài sản thế chấp được hé lộ.

Theo đó, tất cả phần vốn góp của Công ty Liên Thái Bình Dương và bà Lê Hồng Thủy Tiên (Bên Bảo Lãnh) trong Công ty TNHH Thương Mại Duy Anh (DAT) do Bên Bảo Lãnh sở hữu, chiếm 100% vốn điều lệ của DAT, bao gồm, trong số những quyền khác, tất cả các quyền phát sinh theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, điều lệ, sổ đăng ký thành viên, giấy chứng nhận phần vốn góp, và những giấy tờ thành lập khác của DAT….

Ngoài ra, dữ liệu Etime cũng cho biết, năm 2020 công ty mẹ Liên Thái Bình Dương ghi nhận doanh thu thuần hơn 497 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2019; lãi trước thuế 233 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2019. Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Liên Thái Bình Dương mẹ hơn 5.490 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tiền có khoảng 266 tỷ đồng, giảm 24%. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có gần 2.155 tỷ đồng đầu tư tài sản dài hạn, số tiền này chủ yếu đầu tư vào công ty con (1.706 tỷ đồng) và công ty liên kết (583 tỷ đồng).

Các khoản phải thu ngắn hạn gần 2.491 tỷ đồng, tăng tới 40% so với năm 2019. Đáng chú ý, trong số này, các khoản phải thu liên quan đến người nhà ông Johnathan Hạnh Nguyễn lên đến 479 tỷ đồng.

Cụ thể,  Liên Thái Bình Dương có khoản phải thu ngắn hạn lên đến hơn 345 tỷ đồng với bà Lê Hồng Thuỷ Tiên; 102 tỷ đồng với ông Nguyễn Quốc Khánh (Louis Nguyễn) và 32 tỷ đồng với ông Nguyễn Phi Long (Phillip Nguyễn).

Chưa kể, Liên Thái Bình Dương còn có khoản phải thu lãi cho vay gần 27 tỷ đồng với bà Lê Hồng Thuỷ Tiên, hơn 10 tỷ đồng với ông Nguyễn Quốc Khánh và gần 455 triệu đồng với ông Nguyễn Phi Long. Ngoài ra, bà Lê Hồng Thuỷ Tiên còn nhận tạm ứng hơn 264 tỷ đồng từ Liên Thái Bình Dương. 

Ở thời điểm cuối năm 2020, Liên Thái Bình Dương có 12 công ty con sở hữu trực tiếp và 4 công ty liên kết sở hữu trực tiếp.

Thanh Giang
Cùng chuyên mục