Kế sách mới để Biden chặn đứng tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại châu Á

04/12/2020 09:59 GMT+7
Nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson chỉ ra rằng trong vài năm qua, các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương đã tiến những bước tiến mới không có Mỹ nhưng lại thân cận hơn với Trung Quốc.
Kế sách mới để Biden chặn đứng tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại châu Á - Ảnh 1.

Kế sách mới để Biden chặn đứng sự bành trướng của Trung Quốc tại châu Á

Một thỏa thuận thương mại mới để cải thiện quan hệ với các nước châu Á - Thái Bình Dương có thể giúp Mỹ khẳng định vai trò lãnh đạo trong khu vực cũng như hạn chế sự bành trướng ngày càng tăng của Trung Quốc, trích nhận định của Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson.

Mối quan hệ rạn nứt giữa Mỹ với các đồng minh châu Á dưới thời Donald Trump là vấn đề mà Tổng thống đắc cử Joe Biden cần tìm cách hàn gắn trong nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo. Nhất là trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang chưa từng có và Mỹ cần phản ứng chung của các đồng minh để khẳng định vị thế lãnh đạo toàn cầu cũng như kiềm chế những hành vi thương mại không công bằng từ Trung Quốc, theo nhận định của ông Jeffrey Schott, nhà nghiên cứu cấp cao từ Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson.

Ông Jeffrey Schott nói thêm: “Các chính sách đối nội sắp tới của chính quyền Biden nhằm tăng cường sản lượng và việc làm của Mỹ sẽ không ngăn cản nước này can dự vào những thay đổi mạnh mẽ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson chỉ ra rằng trong vài năm qua, các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương đã tiến những bước tiến mới không có Mỹ nhưng lại thân cận hơn với Trung Quốc. Điều đó được thể hiện qua việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm 15 thành viên châu Á Thái Bình Dương bao gồm Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang đàm phán thêm thỏa thuận thương mại mới hoặc nâng cấp các thỏa thuận hiện có với các nước trong khu vực.

Tổng thống đắc cử Joe Biden mới đây cũng khẳng định sẽ tham khảo ý kiến các đồng minh lâu đời của Mỹ ở châu Á và châu Âu để “phát triển một chiến lược chặt chẽ” nhằm đối phó với Trung Quốc, phát ngôn được đăng trên tờ New York Times hôm 3/12.

Một số nhà phân tích đã đưa ra khả năng Mỹ trở lại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như một đòn đối kháng lại Hiệp định RCEP mà Trung Quốc vừa tham gia. CPTPP là phiên bản đàm phán lại và đổi tên từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do chính quyền Obama thúc đẩy nhưng đã bị Tổng thống Trump từ bỏ ngay khi ông Trump nhậm chức năm 2017.

Nhưng theo ông Jeffrey Schott, chỉ đưa Mỹ gia nhập trở lại CPTPP là không đủ để Mỹ tái thiết lập tầm ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương, bởi hiệp định này đã nhận về nhiều ý kiến phản đối tại nước Mỹ. Ông Schott cho biết: “Một hiệp định mới hoàn toàn sẽ tạo ra sự cải thiện đáng kể so với TPP bằng cách bổ sung vào đó những nội dung mới liên quan đến vấn đề thương mại và biến đổi khí hậu, các điều khoản khuyến khích phát triển và phân phối nguồn năng lượng tái tạo, cấm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy hợp tác tăng trưởng xanh, cắt giảm lượng khí thải gây các hiệu ứng nhà kính….”

“Những nội dung mới mẻ như vậy có thể trở thành dấu ấn của các hiệp định thương mại tự do trong nhiệm kỳ của Biden, đồng thời góp phần vào việc hợp tác khu vực thúc đẩy các chính sách khí hậu”.

Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương trực tuyến diễn ra cuối tháng 11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho hay Bắc Kinh sẽ “xem xét việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (TPP)", nay là CPTPP. Tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy Trung Quốc đang có kế hoạch bành trướng vai trò kinh tế trong khu vực châu Á khi Mỹ tập trung vào quá trình chuyển giao quyền lực tại Washington.


NTTD
Cùng chuyên mục