Kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng: “Câu giờ” cần thiết, cổ phiếu ngân hàng có bật tăng?

Huyền Anh Thứ tư, ngày 08/09/2021 13:30 PM (GMT+7)
Giới chuyên cho rằng, kéo dài thời hạn cơ cấu nợ thêm 6 tháng dù chỉ là giải pháp “câu giờ” nhưng cần thiết giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này là chưa đủ lớn để trở thành động lực tăng giá cho cổ phiếu ngân hàng.
Bình luận 0

Như Dân Việt đưa tin, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong đó, điểm nổi bật nhất của Thông tư số 14 là NHNN cho phép các ngân hàng kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng so với quy định cũ, tới 30/6/2022.

Kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng: “Câu giờ” cần thiết, cổ phiếu ngân hàng có bật tăng? - Ảnh 1.

NHNN cho phép các ngân hàng kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng so với quy định cũ, tới 30/6/2022. (Ảnh: SBV)

Biện pháp "câu giờ" nhưng cần thiết với doanh nghiệp và ngân hàng

Theo đánh giá của giới chuyên gia, thông tư 14 mặc dù chỉ là giải pháp "câu giờ" nhưng lại có tính tích cực tháo gỡ khó khăn cho cả doanh nghiệp và ngân hàng ở thời điểm hiện tại, khi những tác động của đại dịch Covid-19  với doanh nghiệp và nền kinh tế được đánh giá là lớn và đến nay vẫn chưa thể đo lường được hết những thiệt hại.

"Làn sóng Covid-19 tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế, các doanh nghiệp đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hay các hộ gia đình. Nhiều doanh nghiệp không còn khả năng trả lãi và trả gốc vay ngân hàng.

Vì vậy, thông tư 14 cho phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng là một hỗ trợ hết sức thiết thực cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc phục hồi kinh doanh cũng như giảm áp thu hồi nợ, trích lập dự phòng trong ngắn hạn cho các ngân hàng thương mại", TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ quốc gia đề cập.

Cổ phiếu ngân hàng có bật tăng trong tháng 9?

Việc Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ban hành Thông tư 14 sửa đổi Thông tư 01, trong đó gia hạn việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thêm nửa năm, tới ngày 30/6/2022 cũng được cho là yếu tố hỗ trợ đối với đà tăng trở lại đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng trong ngắn hạn.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nhà đầu tư kỳ vọng rằng lợi nhuận của ngân hàng không giảm, thậm chí có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bởi các ngân được phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng chưa gặp áp lực lớn về trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ được cơ cấu lại. Điều này có thể sẽ hỗ trợ cho giá cổ phiếu ngân hàng ngay trong tháng 9 này.

"Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng ý thức được rằng, trong trung hạn (dài hơn 6 tháng) khi Thông tư này hết hiệu lực các ngân hàng buộc phải hạch toán các khoản nợ được cơ cấu và nhiều khoản có thể sẽ trở thành nợ xấu, lúc đó áp lực đè nặng lên vai các ngân hàng và giá trị cổ phiếu ngân hàng có thể sẽ biến động theo xu hướng hoàn toàn khác", ông Nghĩa nhấn mạnh thêm.

Kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng: “Câu giờ” cần thiết, cổ phiếu ngân hàng có bật tăng? - Ảnh 3.

Áp lực đè nặng ngân hàng sau khi Thông tư 14 hết hiệu lực, cổ phiếu ngân hàng có thể biến động mạnh. (Ảnh: NLD)

Còn theo quan điểm của một chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán, tác dộng của Thông tư 14 tới cổ phiếu ngân hàng ở mức vừa phải, nếu không muốn nói là thấp, bởi đây không phải là thông tin "quá mới" mà nằm trong kỳ vọng của thị trường.

"Các nhà đầu tư đều hiểu rằng, trong tình hình hiện tại quy định của Thông tư 01 sẽ tiếp tục được sửa đổi bổ sung và kéo dài thêm thời gian cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 14 có thể chỉ tác động tích cực vào giá cổ phiếu ngân hàng trong nửa phiên hoặc 1 phiên giao dịch", vị này nói.

Kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng: “Câu giờ” cần thiết, cổ phiếu ngân hàng có bật tăng? - Ảnh 4.

Cố phiếu ngân hàng khó bật trong tháng 9 nếu không có thêm thông tin hỗ trợ. (Ảnh: VTC)

Thực tế, trong phiên giao dịch ngày hôm qua cũng là ngày NHNN ban hành Thông tư 14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01, nhóm ngân hàng vừa và nhỏ trên sàn HNX và UPCoM có ghi nhận mức tăng.

Cụ thể, cổ phiếu NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân tăng trần 9,72% và đóng cửa ở 31.600 đồng/cp. Nhóm tăng trên 4% còn có PGB (PG Bank - 6,02%), BVB (Viet Capital Bank - 5,76%), BAB (Bắc Á Bank - 4,5%),...

Tại HOSE, phần lớn cổ phiếu ngân hàng duy trì đà tăng giá đến hết ngày như VPB tăng 3,93%, TPB tăng 4,6%, EIB (4,21%), TCB (1,43%), MBB (1,06%), CTG (1,87%), BID (1,53%),...

Tuy nhiên, đến phiên giao dịch hôm nay (8/9), sắc đỏ vẫn là chủ đạo đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng khi có tới 16 cổ phiếu giảm điểm, 7 cổ phiếu tăng và 4 mã đứng giá tham chiếu chốt phiên sáng nay.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia chứng khoán, thông tin NHNN mở mạnh room tín dụng cho các ngân hàng, lãi suất giảm sâu hơn và thanh khoản ngân hàng đầy hơn nữa mới tác động mạnh lên thị trường, giúp cổ phiếu ngân hàng "bật" mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem