Khả năng sinh lời của các ngân hàng được dự báo sẽ cải thiện nhất định trong năm 2024

13/02/2024 19:00 GMT+7
Tại Báo cáo "Triển vọng Thị trường Vốn nợ của Việt Nam năm 2024: Thích nghi với thay đổi, nhóm chuyên gia FiinRatings đã đưa ra nhận định cụ thể với triển vọng từng ngành nghề trong năm nay.

Theo đó, rủi ro ngành được coi là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình phân tích của FiinRatings để đánh giá hồ sơ rủi ro kinh doanh các doanh nghiệp, nhằm đưa ra đánh giá về xếp hạng tổ chức phát hành.

Khả năng sinh lời của các ngân hàng được dự báo sẽ cải thiện nhất định trong năm 2024- Ảnh 1.

Đánh giá của FiinRatings về triển vọng tín nhiệm một số ngành kinh tế.

Ngành Bất động sản Dân cư: Tiếp tục đối mặt với khó khăn

Báo cáo cho thấy, các nhà phát triển Bất động sản dân cư vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với các áp lực về thanh khoản, khả năng tiếp cận nguồn vốn và các rủi ro về lãi suất, suy thoái kinh tế tác động đến nhu cầu và khả năng chi trả của người dân.

Ở khía cạnh tích cực, nhóm chuyên gia cho rằng, các bộ luật quan trọng như Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 vàLuật Nhà ở 2023 được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2023 - đầu năm 2024 sẽ giúp tạo tiền đề cho sự hồi phục của thị trường. Tuy nhiên, các chính sách mới cũng sẽ có độ trễ nhất định và cần thời gian để phát huy hiệu quả. FiinRatings nhận định, dự kiến Chính phủ sẽ ban hành 9 nghị định, 6 thông tư hướng dẫn thi hành trong năm 2024 để hỗ trợ đẩy nhanh quá trình này.

Khả năng sinh lời của các ngân hàng được dự báo sẽ cải thiện nhất định trong năm 2024- Ảnh 2.

Các nội dung đáng chú ý trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật kinh doanh Bất động sảnvừa được thông qua và sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.

Nhìn chung, với áp lực từ một lượng lớn trái phiếu bất động sản đến hạn (ước tính ~120 nghìn tỷ VND – mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây), FiinRatings đánh giá rủi ro tái cấp vốn vẫn ở mức cao đối với các nhà phát triển Bất động sản dân cư. Tuy nhiên, họ cho rằng cũng sẽ có sự phân hóa mạnh trong khả năng duy trì hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp trong ngành trước các diễn biến khó khăn chung của thị trườngkéo dài từ năm 2022 tới nay. 

Ngành Bất động sản Khu Công nghiệp: Triển vọng ngành duy trì mức ổn định

Nguồn cung đất công nghiệp tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng thêm 44.760 ha trong giai đoạn 2022 - 2025 để đáp ứng nhu cầu thuê đất công nghiệp tăng mạnh tại Việt Nam. Trong đó mở rộng nguồn cung mới tại Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung được tăng tốc. Việc chậm phê duyệt chính sách cho bất động sản công nghiệp tại Việt Nam là vấn đề mang tính thời điểm khi nhiều thành phố đã có chủ trương mở rộng quỹ đất mới cho khu công nghiệp. 

Khả năng sinh lời của các ngân hàng được dự báo sẽ cải thiện nhất định trong năm 2024- Ảnh 3.

Nguồn cung quỹ đất mới đã được dự thảo trong giai đoạn 2022 - 2025.

FiinRatings cho rằng triển vọng ngành Bất động sản khu công nghiệp Việt Nam vẫn sẽ được duy trì ở mức ổn định thông qua các yếu tố sau: (i) nhu cầu cao nhờ mở rộng sản xuất của cả doanh nghiệp FDI và doanhnghiệp trong nước; (ii) nguồn cung được Chính Phủ khuyến khích để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng; (iii)thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Do đó, FiinRatings kỳ vọng làn sóng dịch chuyển, đa dạng hóa dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài, từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của cả ngành.

Ngành Năng lượng: Tình hình kinh doanh của EVN là "dấu hỏi lớn"?

Tuy tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất lớn, song vẫn còn những khó khăn và thách thức nhất định. Trong đó, các chính sách liên quan tới cơ chế giá và bao tiêu sản lượng là những e ngại lớn nhất của các nhà đầu tư, ảnh hưởng rất lớn tới khả năng tiếp cận vốn vay của các tổ chức tài chính, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. 

Khả năng sinh lời của các ngân hàng được dự báo sẽ cải thiện nhất định trong năm 2024- Ảnh 4.

Theo ước tính, có tới ~40% nhà phát triển điện gió có mức Nợ vay/EBITDA > 8 lần, trong khi đó, nguồn vốn dài hạn (ví dụ: >10 năm) của toàn hệ thống để tài trợ cho các dự án này vẫn ở mức khá hạn chế.

Thêm vào đó, tình hình kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (“EVN”) cũng là một trong những câu hỏi lớn của các nhà đầu tư, không chỉ từ các chính sách liên quan tới hợp đồng mua bán điện (“PPA”), mà còn do kết quả tài chính thua lỗ trong 2 năm qua. Những khó khăn này xuất phát từ nghĩa vụ “kép” của EVN là cung cấp điện với giá cả phải chăng cho người tiêu dùng và cơ sở sản xuất, đồng thời phải đầu tư vào các dự án truyền tải và phân phối điện. Những tác động tiềm ẩn từ tình trạng tài chính khó khăn của EVN là đáng lo ngại vì Chính phủ Việt Nam không có cơ chế đảm bảo thanh toán cho doanh nghiệp sản xuất điện.

Khả năng sinh lời của các ngân hàng được dự báo sẽ cải thiện nhất định trong năm 2024- Ảnh 5.

Lợi nhuận sau thuế của EVN giai đoạn 2009 - 2023.

Về triển vọng, FiinRatings kỳ vọng Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ thực hiện cải cách, thực hiện các biện pháp tái cơ cấu, và sớm đưa ra các hướng dẫn cụ thể về cơ chế giá, cũng như các cơ chế để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng. Hiện tại, đã có những tín hiệu tích cực, đặc biệt là cho những dự án chuyển tiếp (các dự án chưa đi vào vận hành theo thời gian quy định như quy hoạch, do đó chưa có mức giá cụ thể). 

Bộ Công Thương đã ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp tại Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, sau một thời gian dài các dự án rơi vào đình trệ. Lũy kế đến tháng 11/2023, đã có 21 nhà máy/phần nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 1.201,4 MW đã hoàn thành thủ tục COD đã phát điện thương mại lên lưới điện.

Việc tài trợ cho các dự án điện đòi hỏi nguồn vốn rất dài hạn, đây là một vấn đề đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Mức đầu tư ước tính 135 tỷ USD trong 10 năm (tương đương 13,5 tỷ USD/năm). Hiện tại, dư nợ cho các dự án năng lượng tái tạo trong hệ thống cũng mới chỉ khoảng 10 tỷ USD. Điều này cho thấy việc khơi thông được dòng vốn tư nhân, và các cơ chế hỗ trợ thị trường tài chính xanh để thu hút dòng vốn nước ngoài là đặc biệt quan trọng.

Ngành Ngân hàng: Khả năng sinh lời có sự cải thiện

Mặc dù còn tồn tại áp lực về chất lượng tài sản, FiinRatings nhận định khả năng sinh lời của các ngân hàng sẽ có những sự cải thiện nhất định, do tình hình kinh tế được kỳ vọng sẽ phục hồi, cùng với những giải pháp, chính sách tín dụng được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước triển khai nhằm đạt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ phần nào gỡ bỏ những khó khăn trong việc tăngtrưởng tín dụng. 

Khả năng sinh lời của các ngân hàng được dự báo sẽ cải thiện nhất định trong năm 2024- Ảnh 6.

Tỷ lệ an toàn vốn và tỷ lệ đóng góp của vốn cấp 1 trong vốn tự có của một số ngân hàng.

Ngoài ra, một xu hướng trong năm 2024 của ngành ngân hàng mà FiinRatings nhận định có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng và mức độ tín nhiệm của các ngân hàng là việc đẩy mạnh tăng vốn cấp 2 nhằm bổ sung nguồn vốn, hỗ trợ cho việc đạt mục tiêu tăng trưởng. Với việc tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng trong nước hiện đang ở mức thấp hơn so với các ngân hàng trong cùng khu vực, FiinRatings kỳ vọng xu hướng này sẽ giúp các ngân hàng cải thiện mức đệm vốn và duy trì được nguồn vốn tương đối ổn định với chi phí phù hợp, qua đó củng cố mức độ tín nhiệm của các ngân hàng.

Ngành Chứng khoán: Tương đối tích cực

Về cơ cấu nguồn vốn của các công ty chứng khoán, trong năm 2023, nguồn vốn vay ngân hàng đã cho thấy sự gia tăng về mức 2021 như kỳ vọng, do nhu cầu vốn của các công ty chứng khoán để tài trợ cho hoạt động cho vay ký quỹ ngày có sự gia tăng sau các đợt cắt giảm lãi suất. Mặc dù điều này về đã góp phần nâng cao mức độ đòn bẩy tài chính của ngành nhưng FiinRatings nhận định không nhất thiết sẽ có những tác động tiêu cực đến chất lượng tín dụng của các công ty chứng khoán.

Ngược lại, trong bối cảnh lãi suất tương đối thấp và kỳ vọng của thị trường về sự phục hồi của kinh tế trong năm 2024, việc gia tăng hoạt động cho vay ký quỹ có thể sẽ có những tác động tích cực đến thanh khoản của thị trường, điều này sẽ giúp các công ty chứng khoán củng cố doanh thu và biên lợi nhuận của mình.

Khả năng sinh lời của các ngân hàng được dự báo sẽ cải thiện nhất định trong năm 2024- Ảnh 7.

Cơ cấu huy động vốn của 30 công ty chứng khoán hàng đầu (2016 – 2023).

Về khả năng sinh lời của các công ty chứng khoán, FiinRatings kỳ vọng rằng 2024 sẽ là một năm có sự phân hóa đáng kể do sự khác biệt của các mô hình kinh doanh, thể hiện qua cơ cấu doanh thu của các công ty chứng khoán, nhưng về cơ bản sẽ tương đối tích cực, với động lực chính là hoạt động đầu tư tự doanh và hoạt động cho vay ký quỹ. Dưới góc nhìn của FiinRatings, yếu tố theo dõi đối với ngành chứng khoán vẫn sẽ là các hoạt động gắn liền với hoạt động cho vay ký quỹ và với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, điều này sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến vị thế thanh khoản của các công ty chứng khoán.

Khánh Ly
Cùng chuyên mục