Hội thảo "Ngày nông dân không dùng tiền mặt": Đẩy mạnh TTKDTM, chỉ ngân hàng thôi chưa đủ!

Huyền Anh Thứ tư, ngày 01/12/2021 09:06 AM (GMT+7)
Sáng nay 1/12/2021, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chỉ đạo Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức Hội thảo “Ngày nông dân không dùng tiền mặt”.
Bình luận 0

Thanh toán không dùng tiền mặt: Khi nông dân là khách hàng tiềm năng.

Khai mạc Hội thảo "Ngày nông dân không dùng tiền mặt": Đẩy mạnh TTKDTM, chỉ ngân hàng thôi chưa đủ! - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo "Ngày nông dân thanh toán không dùng tiền mặt"

Hội thảo nằm trong khuôn khổ chuỗi chương trình "Tự hào nông dân Việt Nam 2021" được tổ chức thường niên và trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Hội thảo được sự tham dự và chỉ đạo của Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông Phạm Tiến Nam; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Phạm Tiến Dũng; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Phạm Đức Long; Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, Nhà báo Lưu Quang Định cùng đại diện các Vụ, Ban ngành Trung ương và các gương mặt nông dân xuất sắc được Báo NTNN tôn vinh trong 8 năm  qua.

Trong đó, Đề án đặt mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực và từng bước phát triển về thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa với các chỉ tiêu cụ thể như: Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản; số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm; Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm…

Đẩy mạnh TTKDTM, chỉ ngân hàng thôi chưa đủ

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cho biết, trong vài năm trở lại đây, TTKDTM được đông đảo người dân Việt Nam lựa chọn, thay thế cho phương thức thanh toán tiền mặt truyền thống.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 – 2025 của Chính phủ, theo ông Nam còn nhiều thách thức và khó khăn, nhất là với khu vực nông thôn.

"Theo tôi có hai nguyên nhân chính khiến cho việc phổ cập phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn gặp khó khăn nếu như không có giải pháp quyết liệt từ các bộ ngành có liên qua. Đó là, điểm chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt rất hạn chế và thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân khiến việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt gặp nhiều khó khăn", ông Nam nêu rõ.

Đẩy mạnh TTKDTM, chỉ ngân hàng thôi chưa đủ - Ảnh 1.

Ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Ngoài ra, những khó khăn về hạ tầng viễn thông, internet; cơ sở pháp lý cho hoạt động ngân hàng đại lý; thiếu cơ sở hạ tầng dữ liệu định danh điện tử; đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trước rủi ro an ninh mạng, các hành vi lừa đảo; gian lận; đảm bảo an toàn dữ liệu cá nhân… cũng tác động tới hành vi thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.

Do vậy, muốn phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng xa, theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, trước hết cần phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này để người dân tự đưa ra quyết định phù hợp.

Với vai trò của mình, Trung ương hội nông dân Việt Nam sẽ triển khai tới hội nông dân các cấp, hàng chục triệu hội viên nông dân trên toàn quốc để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, góp phần thay đổi hành vi thay đổi phương thức thanh toán ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng xa.

Quan trọng hơn, cần phải đồng bộ từ chính sách tới hạ tầng cơ sở để phương thức thanh toán hiện đại có điều kiện sử dụng một cách rộng rãi hơn ở khu vực nông thôn.

"Ví như để thanh toán không dùng tiền mặt được sử dụng rộng rãi ở khu vực nông thôn, bên cạnh nỗ lực của ngành ngân hàng, Bộ Công Thương cũng cần phải vào cuộc với những chính sách khuyến khích các sàn thương mại điện tử về khu vực nông thôn, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như người dân có nơi mua bán, thanh toán bằng phương thức hiện đại. Hay như Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần có chính sách về dịch vụ viễn thông đối với vùng nông thôn, miền núi, vùng xa, khuyến khích người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng xa tiếp cận và sử dụng các dịch vụ viễn thông, như Internet, dịch vụ 3G, 4G...", ông Nam nhấn mạnh.

Đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục tài chính về TTKDTM

Phát biểu tại phiên Khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định, thời gian qua, cùng với các định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng luôn quan tâm và đồng hành cùng các cơ quan, ban ngành trong việc triển khai các chương trình, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực nông thôn; đồng thời triển khai nhiều chính sách nhằm đưa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đến với bà con ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Một trong các chính sách quan trọng đó là phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Đẩy mạnh TTKDTM, chỉ ngân hàng thôi chưa đủ - Ảnh 2.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

NHNN đã nghiên cứu, ban hành quy định tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa như: hướng dẫn mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử trực tuyến (eKYC), giúp cho người dân mở tài khoản thanh toán mà không cần đến điểm giao dịch ngân hàng; thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) và đã cấp phép cho 03 nhà mạng viễn thông gồm Viettel, VNPT và Mobiphone triển khai thí điểm dịch vụ này; xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP, trong đó đề xuất quy định về hoạt động đại lý thanh toán, qua đó tạo điều kiện cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi không có chi nhánh ngân hàng được tiếp cận, sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Khai mạc Hội thảo "Ngày nông dân không dùng tiền mặt": Đẩy mạnh TTKDTM, chỉ ngân hàng thôi chưa đủ! - Ảnh 4.

Toàn cảnh Hội thảo

Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng lần lượt tăng 1,88% về số lượng và tăng 42,58% về giá trị.

Hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 96,63% về số lượng và 133,11% về giá trị (so với cùng kỳ năm 2020).

Hoạt động thanh toán qua các kênh điện tử tăng trưởng mạnh qua các năm, trong đó, thanh toán qua di động tăng 50 - 80%/năm về số lượng; thanh toán qua internet tăng 35 - 40%/năm về số lượng; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.

Đáng chú ý, hiện nay, nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thẻ ngân hàng, QR Code, Ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking… đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cũng cho biết, NHNN đã cho phép triển khai thí điểm các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn với 03 mô hình ngân hàng hợp tác với các tập đoàn viễn thông, cửa hàng xăng dầu để cung ứng dịch vụ chuyển tiền nhanh tới người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người chưa có tài khoản ngân hàng.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo thời gian tới, cụ thể như:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ; Trình Chính phủ Nghị định về TTKDTM và ban hành các văn bản hướng dẫn, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi đối tượng và người dân; nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới vào lĩnh vực thanh toán để đưa ra những sản phẩm, dịch vụ tiện ích, phù hợp với hành vi tiêu dùng ở khu vực nông thôn.

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục tài chính về TTKDTM nhằm nâng cao nhận thức của người dân về TTKDTM, tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp người tiêu dùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem