Khó trăm bề, ngân hàng nói không tuyển lao động và buộc phải “thắt” lương thưởng
TPBank là một trong những ngân hàng điển hình.
Luôn nằm trong top những ngân hàng tuyển dụng lao động với tốc độ tăng trưởng hằng năm luôn giao động từ 22 đến 28%. Nhưng năm nay, mọi chuyện đều thay đổi...
Ngừng tuyển lao động
Trao đổi với các cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong các tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh của ngân hàng đã gặp rất nhiều khó khăn. Các khoản nợ đã được cơ cấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không được dự thu lãi, gây ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng.
Kế hoạch tăng trưởng ở hầu hết các lĩnh vực của ngân hàng cũng rất khiêm tốn so với mức tăng năm 2019. Chẳng hạn, huy động vốn dự kiến tăng 7%, đạt 158,8 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận năm ở mức khoảng 5%. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) giảm từ 26,11% trong năm 2019 xuống còn 22,31%.
Đáng chú ý, ngân hàng cho biết sẽ không tuyển mới nhân sự và không tăng lương cho người lao động trong năm 2020 nhằm cắt giảm chi phí và tối đa hóa lợi nhuận.
"Để duy trì hoạt động trong thời gian khó khăn do dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, ngân hàng đã phải áp dụng các giải pháp tạm thời như cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ việc không lương, giảm lương nhưng TPBank vẫn cố gắng duy trì đãi ngộ cho nhân viên đó là giữ nguyên lương và không cắt giảm nhân sự", ông Hưng chia sẻ.
Tương tự, Sacombank của ông Dương Công Minh vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và phải tập trung xử lý nợ xấu tồn đọng, lãnh đạo Sacombank cho biết ngân hàng đang tinh giảm biên chế lao động.
Cụ thể, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, TGĐ Sacombank cho biết tại ĐHĐCĐ thường niên, về tình hình nhân sự của Sacombank và làm sao tăng năng suất lao động, tính đến 31/5/2020, số nhân sự tại Sacombank là 18.753 người, giảm 2,5% so với đầu năm. Ngân hàng đã tinh giảm biên chế và tái cấu trúc bộ máy. Về công tác phát triển mạng lưới tại miền Nam, Sacombank cũng đang đẩy mạnh giao dịch online và tái cơ cấu những điểm giao dịch không hiệu quả.
Với những ngân hàng quy mô lớn hơn như Vietinbank, dù khẳng định, ngân hàng không định hướng cắt giảm nhân viên, do cần xây dựng cán bộ đảm bảo cho tăng trưởng trong tương lai. Thay vào đó, ngân hàng sẽ cơ cấu lại, bố trí cán bộ theo hướng phù hợp với năng lực, nâng cao năng suất của từng bộ phận. Tuy nhiên, trên thực tế, trong 3 tháng đầu năm 2020, quy mô nhân sự của VietinBank đã có sự sụt giảm đáng kể (giảm 421 người, tương đương 1,9%) xuống 21.910 lao động.
Công ty Dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search (thuộc Tập đoàn Navigos Group) mới đây nhận định, với mục tiêu dồn lực giải quyết những vấn đề do dịch Covid-19 gây ra, nhiều ngân hàng đang phải tạm dừng tuyển dụng nhân sự để tập trung phát triển ngân hàng số, giao dịch không tiếp xúc...Như vậy, ít nhất phải hết Quý II năm nay, việc tuyển dụng nhân sự của các ngân hàng may ra mới trở lại.
"Thắt lưng, buộc bụng" cắt lương, giảm thưởng
Chuyện "thắt lưng, buộc bụng" ở giai đoạn này không chỉ riêng gì TPBank, nhiều ngân hàng khác dù không đề cập đến việc cắt giảm nhân sự, nhưng nhấn mạnh đến việc cắt giảm chi phí hoạt động, trong đó có lương, thưởng của cán bộ nhân viên và chi phí hoạt động chung.
Đơn cử, trong thông cáo về những giải pháp ứng phó với dịch bệnh mới đây, ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho biết, các cấp lãnh đạo HĐQT, Ban Điều hành và cán bộ quản lí cấp cao của ngân hàng này đã tự nguyện giảm lương 50% cho đến khi công bố hết dịch.
Cùng với đó, các cấp quản lí toàn hệ thống từ cấp Phó phòng trở lên (và các chức danh tương đương) giảm từ 10% - 30% tùy theo mức thu nhập. Ngân hàng này nói rằng, sẽ quyết liệt rà soát toàn bộ các chi phí hoạt động và tổ chức triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí hoạt động với mức giảm tối thiểu 10%.
Tương tự, tại ngân hàng Phát triển TP HCM - HDBank, từ tháng 4/2020 đã thực hiện giảm lương kinh doanh 10 - 25% để đối phó với tình hình phức tạp của đại dịch, áp dụng cho những nhân viên có tổng lương từ 10 triệu trở lên. Mức giảm lớn nhất (25%) được áp dụng cho người có tổng lương cao hơn 80 triệu đồng.
Trong khi đó, dù chưa đưa ra con số cụ thể, xong cụm từ "tiết giảm chi phí" xuất hiện như là một điểm quan trọng trong "Những giải pháp trọng tâm năm 2020" của Ngân hàng Quân đội - MB.
Một số các ngân hàng khác hiện cũng bắt đầu thực hiện kế hoạch giảm chi phí bằng cách giảm lương của ban lãnh đạo cũng như nhân viên, để đảm bảo mục tiêu kinh doanh cũng như có thêm điều kiện để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.