Khởi nghiệp nuôi côn trùng trị giá 224 triệu USD
Giải pháp chăn nuôi mới
Đó là khởi nghiệp của doanh nhân Antoine Hubert mang tên Ynsect khi ông đã huy động được 224 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm cả ngôi sao điện ảnh Hollywood Robert Downey để gây dựng thêm một trang trại nuôi côn trùng thứ hai ở Amiens, miền bắc nước Pháp.
Theo đó, công ty Ynsect sẽ chuyên nuôi sâu bột để sản xuất protein dùng làm thức ăn chăn nuôi, thú cưng và phân bón. Mục tiêu của khởi nghiệp này là sẽ gây quỹ để xây dựng trang trại nuôi côn trùng lớn nhất thế giới.
Dự định tiếp theo của Ynsect là sẽ chính thức khai trương khu phức hợp mới vào đầu năm 2022, với năng lực sản xuất 100.000 tấn sản phẩm côn trùng mỗi năm, đồng thời bảo vệ được hệ sinh thái đất và còn tạo ra 500 công ăn việc làm.
Hiện tại, cơ ngơi của khởi nghiệp là một nhà máy cao 40 mét với diện tích rộng trên 40.000 mét vuông và nắm giữ ‘hai cái nhất’ gồm: “trang trại thẳng đứng cao nhất thế giới và trang trại thẳng đứng đầu tiên trên thế giới không phát thải carbon”, Giám đốc điều hành kiêm người sáng lập Ynsect, ông Antoine Hubert cho biết.
Theo ông Hubert, nhà máy đầu tiên của công ty được xây dựng vào năm 2016 ở Dole, miền đông nước Pháp với hệ thống dây chuyền sản xuất khép kín được thiết kế bởi các khay liên hoàn cho ra đời hàng triệu con sâu bột liên tục ngọ nguậy.
“Điều quan trọng là phải phát triển mạnh hơn nữa ngành chăn nuôi côn trùng vì nhu cầu thế giới đang ngày càng cần nhiều protein, cũng như nhiều thức ăn chăn nuôi hơn để tạo ra nguồn thịt và cá ... Tuy nhiên vượt lên trên tất cả thì rõ ràng thực phẩm cho con người vẫn là một thị trường vô tận”, ông Hubert nói.
Nguồn tài nguyên vô tận
Trước đó, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO) đã nhiều lần kêu gọi các nước đầu tư vào việc nuôi côn trùng nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày một tăng cao cùng với sự gia tăng dân số thế giới.
“Đó là một trong nhiều giải pháp để đối phó với vấn đề mất an ninh lương thực” bởi nhiều loài côn trùng đã được chứng minh có chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng như đạm, chất béo và chất khoáng.
Báo cáo của FAO cũng chỉ ra những mặt thuận lợi là nguồn côn trùng hầu như có mặt ở khắp mọi nơi và chúng có khả năng sinh sản nhanh và có tỉ lệ ăn được cao. Tuy nhiên, các tác giả của báo cáo thừa nhận rằng cho đến nay, nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là ở các quốc gia phương Tây vẫn giữ thành kiến rằng côn trùng, sâu bọ là loài bẩn thỉu nên họ chưa sẵn sàng coi chúng là một nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng.
Các tác giả báo cáo đề xuất rằng ngành công nghiệp thực phẩm có thể giúp “nâng cao vị thế của côn trùng” thông qua việc chế biến các món ăn mới từ côn trùng và bổ sung chúng vào thực đơn của các nhà hàng, khách sạn.
Các nhà khoa học cũng kêu gọi một cơ chế điều hành tốt hơn đối với việc sử dụng côn trùng làm thực phẩm, bởi cho đến thời điểm hiện nay thì nguồn dinh dưỡng mới này vẫn chưa thể cạnh tranh được với các nguồn thực phẩm truyền thống.
Giới chuyên gia FAO hy vọng, với việc có rất nhiều công ty thực phẩm trên thế giới nhảy vào lĩnh vực này nhằm sử dụng côn trùng làm thực phẩm trên diện rộng là khả thi.