Khối ngoại bán ròng hơn 10.000 tỷ đồng trong quý I, tập trung bluechip
Trong quý I, sự phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã tác động trực tiếp lên nền kinh tế toàn cầu trong đó, thị trường chứng khoán Việt Nam không nằm ngoài xu thế này. Kết thúc quý I, chỉ số VN-Index đứng ở mức 662,53 điểm, tương ứng giảm 31,06% so với cuối năm 2019. HNX-Index giảm 9,32% xuống 92,64 điểm. UPCoM-Index cũng giảm 14,8% xuống 47,74 điểm.
Bên cạnh sự hoảng loạn của nhà đầu tư trong nước thì khối ngoại cũng góp phần quan trọng trong việc tạo áp lực vô cùng lớn lên thị trường đặc biệt là tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Quý I, khối ngoại bán ròng lên đến hơn 10.000 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 543,6 triệu cổ phiếu. Nếu tính theo tháng, khối ngoại mua ròng mạnh trong tháng 1 và là động lực lớn giúp nhiều cổ phiếu bứt phá đặc biệt là khoảng thời gian trước Tết âm lịch. Tuy nhiên, tháng 2 và tháng 3, tâm lý nhà đầu tư chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nên khối ngoại đã có làn ròng rút vốn. Chỉ riêng trong tháng 3, khối ngoại bán ròng lên đến 8.833,4 tỷ đồng (430 triệu cổ phiếu). Nhiều phiên giao dịch của tháng 3, nhà đầu tư phải chứng kiến dòng tiền vào thị trường của khối ngoại rất yếu. Nhiều phiên giao dịch, các cổ phiếu đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại ở sàn chính là HoSE đều có giá trị chỉ trên 10 tỷ đồng.
Khối ngoại tập trung bán ròng rất mạnh ở sàn HoSE với giá trị hơn 8.700 tỷ đồng trong quý I, gấp 2,4 lần quý trước, tương ứng khối lượng bán ròng 411 triệu cổ phiếu, riêng trong tháng 3, khối ngoại sàn này bán ròng 7.838 tỷ đồng.
Đa số các cổ phiếu vốn hóa lớn đều bị khối ngoại bán ròng mạnh, đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại trên HoSE quý I là 1.730 tỷ đồng. Tiếp sau đó, VIC và HPG bị bán ròng lần lượt 890 tỷ đồng và 725 tỷ đồng. 2 cổ phiếu cùng họ với VIC là VHM và VRE cũng bị bán ròng lần lượt 514 tỷ đồng và 485 tỷ đồng. Như vậy, nhóm cổ phiếu họ "Vin" bị khối ngoại bán ròng tổng cộng gần 1.900 tỷ đồng trong quý I.
Chiều ngược lại, PGD đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại với 1.017 tỷ đồng, tuy nhiên, hầu hết giao dịch mua vào của khối ngoại đối với cổ phiếu này đều chỉ được thực hiện trong phiên 1/10/2020. Bên cạnh đó, MWG cũng được mua ròng 588 tỷ đồng. Việc khối ngoại mua ròng mạnh MWG cũng được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận trong phiên 20/1. Có thể thấy các cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh trong 3 tháng đầu năm đều thông qua phương thức thỏa thuận nên không thể có tác động đến diễn biến giá cổ phiếu. CCQ ETF nội FUESSVFL được mua ròng hơn 200 tỷ đồng.
Khối ngoại sàn HNX trong quý I cũng đẩy mạnh bán ròng đến 1.158 tỷ đồng (quý trước chỉ bán ròng 45 tỷ đồng), đây cũng là quý bán ròng thứ 6 liên tiếp của khối ngoại sàn này với tổng giá trị lên đến 3.100 tỷ đồng.
SHB là cổ phiếu đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại sàn HNX với giá trị lên đến 592 tỷ đồng. Nhưng bất chấp việc này, SHB là cổ phiếu vốn hóa lớn hiêm hoi còn tăng giá trong quý I, thậm chí mức tăng của SHB còn lên đến 127%. Tiếp sau đó, PVS cũng bị bán ròng rất mạnh với 365 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, đứng đầu danh sách mua ròng sàn HNX là VCS nhưng giá trị chỉ gần 29 tỷ đồng các mã còn lại đều có giá trị mua ròng dưới 10 tỷ đồng. Trong tháng 3, khối ngoại sàn HNX mua ròng rất yếu, nhiều phiên giao dịch mà top 10 mua ròng sàn này đều có giá trị dưới 1 tỷ đồng.
Trên sàn UPCoM, khối ngoại bán ròng trở lại 145 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 12,6 triệu cổ phiếu.
VTP đứng đầu danh sách mua ròng với 55 tỷ đồng, tiếp sau đó là VEA cũng được mua ròng 46 tỷ đồng. Trong khi đó, ACV bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 68 tỷ đồng. LPB và BSR bị bán ròng lần lượt 47 tỷ đồng và 28 tỷ đồng.