Chưa có việc giá FIT điện gió sẽ báo cáo Chính phủ gia hạn sau 31/10
Liên quan đến vấn đề giá FIT của điện gió được dư luận quan tâm hiện nay, ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, có nhiều bài báo trích dẫn phát biểu của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo về vấn đề gia hạn giá FIT điện gió. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định, lãnh đạo Cục không trả lời bất cứ một báo nào nói rằng giá FIT điện gió sẽ được báo cáo Chính phủ gia hạn sau 31/10/2021.
Thông tin thêm về nội dung này, ông Hoàng Tiến Dũng chia sẻ, đến tháng 8 năm nay, EVN thông báo có 106 dự án điện gió sẽ được xác nhận thương mại được kịp hưởng giá FIT. Đến thời điểm này, trong số 106 dự án này thì có 54 dự án đã thuộc thẩm quyền xem xét và thực hiện công tác kiểm tra, nghiệm thu của Bộ Công Thương. Trong 54 dự án này có khoảng 30 dự án đã nhận hồ sơ và tiến hành kiểm tra công tác nghiệm thu để đảm bảo các dự án này đưa vào tiến độ được hưởng giá FIT theo Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng có rất nhiều dự án các chủ đầu tư đã nỗ lực đưa dự án điện gió vào kịp tiến độ được hưởng giá ưu đãi theo Quyết định 39 của Thủ tướng chính phủ, nhưng trong thời gian vừa qua, Cục đã nhận được rất nhiều ý kiến đề xuất của UBND các tỉnh, của các chủ đầu tư, trong đó có nhiều nguyên do khác nhau, tuy nhiên, phần lớn là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các dự án điện gió chậm tiến độ và không đưa kịp tiến độ đưa vào trước 31/10.
Sau ngày giá FIT của điện gió hết hạn, Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm nghiên cứu đề xuất các phương án đấu thầu của chủ đầu tư để xác định giá điện gió. Cục trưởng Dũng cho biết thêm, Cục đang khẩn trương nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cơ chế phát triển điện gió trong thời gian tới theo hướng phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Điện lực…
Theo số liệu của EVN, đến đầu tháng 8 đã có 21 nhà máy điện gió với tổng công suất là 819 MW vào vận hành thương mại.
Theo Quyết định 39, giá FIT ưu đãi cho điện gió trên biển là 9,8 cent một kWh (tương đương 2.223 đồng) và trên bờ là 8,5 cent một kWh (khoảng 1.927 đồng). Giá này chưa gồm thuế VAT, được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Biểu giá FIT là gì?
FIT là cụm từ viết tắt của Feed-in Tariff, được hiểu là biểu giá điện hỗ trợ. Đây là một cơ chế chính sách được đưa ra nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, tăng sức cạnh tranh của các nguồn năng lượng này với các nguồn năng lượng truyền thống. Cụ thể hơn là các mức giá áp dụng cho điện sản xuất tư các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới điện hoặc sử dụng tại chỗ. Thuật ngữ này sử dụng cho điện năng lượng tái tạo nói chung, không chỉ dành cho điện năng lượng mặt trời.
Giá FIT có quá trình hình thành và phát triển tương đối phức tạp. FIT được công nhận là cơ chế chính sách giúp thúc đẩy sự phát triển của nguồn năng lượng tái tạo nhanh chóng, thành công nhất trên thế giới. Thông thường biểu giá FIT phổ biến là áp dụng cho mỗi kWh điện phát lên lưới.
Luật về FIT quy định 3 điều khoản quan trọng là:
Quy định các công ty truyền tải, kinh doanh điện phải mua điện từ bất kỳ nguồn điện phát bằng năng lượng tái tạo như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy triều,….. Các hợp đồng mua điện được ký trong thời gian dài khoảng 15-25 năm. Quy định mức giá mua điện cụ thể cho từng loại công nghệ khác nhau đảm bảo sao cho các nhà đầu tư có lợi nhuận.
Việc quy định mức giá khác nhau cho các công nghệ năng lượng tái tạo khác nhau là dựa trên cơ sở mức độ phát triển của từng công nghệ để khuyến khích sự đa dạng của tất cả các dự án năng lượng sạch.
Thường thì mức giá FIT sẽ có chu kỳ thay đổi 3-4 năm. Các năm đầu giá FIT sẽ cao hơn các năm tiếp theo. Điều này nhằm mục đích tạo động lực cho các nhà sản xuất điện từ năng lượng tái tạo phát triển công nghệ, giảm giá, đưa năng lượng tái tạo đến gần với mức giá thị trường của các loại năng lượng hóa thạch khác.
Liên quan đến Quy hoạch Điện VIII thuộc lĩnh vực Cục phụ trách, ông Hoàng Tiến Dũng thông tin, từ tháng 5, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo rà soát Quy hoạch Điện VIII. Trong suốt tháng 5, tháng 6 và tháng 7, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã tích cực rà soát, điều chỉnh, cập nhật thông tin hoàn chỉnh Quy hoạch Điện VIII. Đến 30/8, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các Bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng công ty lấy ý kiến góp ý. Dự kiến, ngày 3/10, Hội đồng thẩm định Quy hoạch Điện VIII sẽ tổ chức họp thẩm định. Nếu được bỏ phiếu thông qua, Bộ Công Thương sẽ tích cực hoàn chỉnh theo ý kiến góp ý của các thành viên trong Hội đồng thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2021.