Không thể trả tiền cho NCC, mảng xe điện của China Evergrande phải tạm dừng nhiều dự án
Theo một hồ sơ gửi lên sàn giao dịch chứng khoán tối 24/9, China Evergrande New Energy Vehicle (gọi tắt là Evergrande Auto) tuyên bố buộc phải tạm dừng một số dự án xe điện do không thể hoàn tất nghĩa vụ thanh toán cho các nhà cung cấp. “Do những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng thanh khoản của tập đoàn mẹ, hiện đã xảy ra hiện tượng chậm thanh toán cho các nhà cung cấp các dự án xe điện. Từ đó dẫn đến việc tạm dừng một số dự án liên quan đến việc phát triển xe năng lượng mới” - tuyên bố của Evergrande Auto cho hay.
Trước đó, tờ Bloomberg đưa tin việc Evergrande Auto chậm thanh toán chi phí máy móc tại các nhà máy xe điện đã khiến một số nhà cung cấp thiết bị đã bắt đầu rút nhân sự tại chỗ khỏi các nhà máy ở Quảng Châu và Thượng Hải từ tháng 7. Không còn nhóm chuyên gia từ các nhà cung cấp hỗ trợ vận hành thiết bị sản xuất và khắc phục mọi sự cố, nhân viên của China Evergrande New Energy Vehicle buộc phải tự khắc phục tình huống, dẫn đến sản lượng sản xuất xe thử nghiệm chậm hơn nhiều so với dự kiến.
Ngoài ra, cũng theo Bloomberg, Evergrande Auto đã ngừng trả lương cho một số nhân viên trong bối cảnh tập đoàn mẹ China Evergrande Group rơi vào cuộc khủng hoảng thanh khoản trầm trọng. Nguồn tin của Bloomberg cho hay hầu hết nhân viên tại Evergrande Auto đều được trả lương 2 lần mỗi tháng, một lần vào đầu tháng và lần còn lại vào ngày 20 hàng tháng. Tuy nhiên cho đến hôm 23/9, một số quản lý cấp trung của Evergrande Auto vẫn chưa nhận được đợt lương thứ hai của tháng 9.
Sau các thông tin này, làn sóng bán tháo cổ phiếu Evergrande Auto đã tăng mạnh trên thị trường chứng khoán Hong Kong, nơi Evergrande Auto đang niêm yết cùng với công ty mẹ China Evergrande Group. Cổ phiếu Evergrande Auto đã giảm mạnh 23,37% xuống mức 2,23 HKD/cp vào cuối phiên giao dịch 24/9. Mức giá này cũng tụt mạnh 97% so với mức đỉnh mà Evergrande Auto đạt được hồi tháng 2.
Công ty đang phát triển thương hiệu xe điện Hengchi cũng cảnh báo rằng nếu không sớm được rót thêm vốn từ nhà đầu tư tiềm năng hoặc từ hoạt động bán tài sản của tập đoàn mẹ, Evergrande Auto có nguy cơ không thể trả nổi lương nhân viên và chi phí duy trì hoạt động doanh nghiệp hàng ngày. “Việc thiếu vốn trầm trọng đồng thời cũng cản trở tiến độ nghiên cứu và phát triển các phương tiện năng lượng mới cũng như tiến độ sản xuất hàng loạt các phương tiện đã được lên kế hoạch”.
Nguồn tin của SCMP cho hay Evergrande Auto đang tìm cách huy động thêm vốn từ các nhà đầu tư mới, hoặc tệ hơn là bán một số tài sản ở nước ngoài hoặc tại dự án Elderly Care Valley. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có thỏa thuận mua bán nào được công bố.
Tom Chan Pak-lam, Chủ tịch Viện Kinh doanh Chứng khoán Hồng Kông cho biết một số đối thủ của Evergrande Auto có thể sẽ xem xét việc mua lại tài sản của công ty khởi nghiệp xe điện này. “Mặc dù Evergrande Auto chưa bán được chiếc xe điện nào nhưng họ vẫn có sức hút với người mua nhờ hai giấy phép vận hành hai nhà máy sản xuất ô tô tại Trung Quốc. Các nhà sản xuất ô tô khác sẽ quan tâm đến việc mua lại những tài sản này như một con đường tắt để mở rộng công suất”.
Tháng trước, công ty này công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021, trong đó cho thấy khoản lỗ 4,8 tỷ nhân dân tệ (744 triệu USD) trong cùng kỳ.
Công ty khởi nghiệp xe điện trực thuộc China Evergrande từng tham vọng vào năm 2019 rằng sẽ vượt qua Tesla và trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới trong vòng 5 năm. Cho đến nay, Evergrande Auto đã trình làng 9 mẫu xe mang thương hiệu Hengchi nhưng chưa sản xuất hàng loạt dòng xe nào. Dù gây được tiếng vang lớn tại triển lãm ô tô Thượng Hải năm nay, với tất cả chín mẫu xe được trưng bày kèm theo cam kết sản xuất 5 triệu xe mỗi năm vào năm 2035, nhưng thực tế là 4 mẫu xe Hengchi số 1, 3, 5 và 6, vẫn đang ở giai đoạn Thử nghiệm Kỹ thuật (ET) - một giai đoạn sơ bộ nhằm hiệu chỉnh các tiêu chuẩn và kiểm soát chất lượng của ô tô điện. Theo các nguồn tin quen thuộc, phải mất ít nhất 6 tháng sau giai đoạn ET, các mẫu xe mới có thể đi vào sản xuất hàng loạt.
Nhìn chung, tình hình tài chính căng thẳng tại Evergrande Auto đang phản ánh phần nào cuộc khủng hoảng thanh khoản tồi tệ tại công ty mẹ China Evergrande Group - nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới với gánh nặng nợ hơn 300 tỷ USD.