Khủng hoảng trầm trọng ở Lebanon: nền kinh tế rơi vào 'chuyến tàu hỏa ngục'

12/05/2021 16:24 GMT+7
Henri Chaoul, cựu cố vấn Bộ Tài chính Lebanon mới đây nhận định rằng công tác quản lý yếu kém của chính phủ hiện tại đã đưa nền kinh tế Lebanon rơi vào “chuyến tàu hỏa ngục”.

Ông Chaoul, cựu cố vấn cho chính phủ trong các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, đã từ chức vào tháng 6 năm ngoái sau khi Lebanon không thực hiện được các cải cách cần thiết để đủ điều kiện nhận khoản tín dụng hỗ trợ của IMF. “Đây không phải một chính phủ có khả năng đưa Lebanon trở nên tốt đẹp hơn trong tương lai… Rõ ràng mô hình quản trị cũ ở Lebanon đã hoàn toàn thất bại trên nhiều cấp độ”.

Còn thủ đô Beirut thì vẫn vật lộn để tái thiết sau vụ nổ lớn khiến hơn 200 người thiệt mạng và 6.000 người bị thương hồi tháng 8 năm ngoái.

Lebanon đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc nội chiến đẫm máu 1975-1990. Đồng tiền của nó đã mất 90% giá trị trong 18 tháng qua trên thị trường phi chính thức và lạm phát lương thực đã lên tới 400%. Đất nước này cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, với hơn 533.000 trường hợp nhiễm virus và hơn 7.500 trường hợp tử vong kể từ đầu mùa dịch đến nay. Cho đến hiện tại, chỉ có 7% dân số đã được tiêm chủng.

Khủng hoảng trầm trọng ở Lebanon: nền kinh tế rơi vào 'chuyến tàu hỏa ngục' - Ảnh 1.

Khủng hoảng trầm trọng ở Lebanon: nền kinh tế rơi vào 'chuyến tàu hỏa ngục'

Khi dự trữ ngoại hối quốc gia cạn kiệt, các khoản trợ cấp thiết yếu cho thuốc men, thực phẩm và nhiên liệu của chính phủ cũng đang dần thu hẹp. Chính quyền tạm thời của Thủ tướng Hasan Diab đang kỳ vọng sẽ thúc đẩy một chương trình trợ cấp tín dụng để hỗ trợ người dân. Một nguồn tin thân cận cho biết ông Diab muốn thúc đẩy chương trình này ngay trước khi bất kỳ khoản trợ cấp thiết yếu nào bị loại bỏ. Tuy nhiên, cơ chế để thiết lập chương trình tín dụng là rất phức tạp cả về nguồn tài trợ và công đoạn thực hiện.

Các nhà quan sát nhận định nếu không có một chính phủ phù hợp, Lebanon khó có thể thực hiện các cải cách cần thiết để mở khóa viện trợ mà nước này đang rất cần để bước ra khỏi cuộc khủng hoảng.

Quốc gia Địa Trung Hải với 7 triệu dân đang tiến hành bổ nhiệm Thủ tướng lần thứ ba trong năm sau khi ông Diab từ chức sau vụ nổ ở Beirut. Người kế nhiệm ông, Mustapha Adib, từ chức một tháng sau đó. Chính phủ tạm quyền của ông Diab có thể sẽ vẫn duy trì cho đến khi Thủ tướng thứ ba, ông Saad Hariri có thể thành lập một cơ quan lập pháp mới. Nhưng cho đến nay, các cuộc đàm phán vẫn đang rơi vào bế tắc.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đe dọa sẽ trừng phạt các chính trị gia chịu trách nhiệm về tình trạng bế tắc trong chuyến thăm tới Beirut vào tuần trước, đồng thời cảnh báo việc nước này chần chờ trong thành lập chính phủ mới sẽ là hành động “tự sát tập thể”. Paris hiện đã áp dụng các biện pháp hạn chế nhập cảnh vào Pháp đối với các quan chức Lebanon đang cản trở bước tiến chính trị của nước này.

Ông Riad Salameh, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lebanon cũng phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc tham nhũng các khoản đầu tư nước ngoài và rửa tiền.

Hồi năm 2019, sự đổ vỡ trong hệ thống ngân hàng nước này đã đưa lạm phát tăng vọt 30%, tiền tệ mất giá 40% và lượng người thất nghiệp tăng chưa từng có. Khoản nợ công ước tính hơn 86 tỷ USD mà nước này cõng trên lưng tính đến hết năm 2019 tương đương với 155% GDP quốc gia, đưa Lebanon vào top một trong những nước có gánh nặng nợ lớn nhất toàn cầu. Tình hình khan hiếm đồng USD do suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính và sụt giảm nguồn tiền mặt đã làm giảm đáng kể dự trữ ngoại tệ của ngân hàng Trung Ương.

Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Ngân hàng Thế giới đã dự báo 45% dân số Lebanon sẽ sống trong cảnh nghèo khó cùng cực vào năm 2020. Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF thì dự báo tăng trưởng GDP Lebanon -12% trong năm nay, tệ hơn nhiều so với mức dự báo trung bình -4,7% cho toàn khu vực Trung Đông và Châu Á. Chính phủ Lebanon lâu nay tìm cách nhận khoản vay đảm bảo trị giá 10 tỷ USD từ IMF nhưng các cuộc đàm phán đã bị rơi vào bế tắc khi Lebanon không thực hiện được các cải cách cần thiết để đủ điều kiện nhận khoản tín dụng hỗ trợ này.


NTTD
Cùng chuyên mục