Khuyến nghị chưa nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2021

25/04/2021 07:52 GMT+7
Trong bối cảnh nguồn lực ngày càng khó khăn, các doanh nghiệp vật lộn để tồn tại, dẫn đến tình trạng thất nghiệp tăng mạnh do doanh nghiệp giải thể hoặc cắt giảm lao động mạnh để giảm chi phí.
Khuyến nghị chưa nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 - Ảnh 1.

"Chưa nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2021"-tiếp tục là vấn đề đang được dư luận quan tâm, vì đa phần quan điểm của lãnh đạo các doanh nghiệp và đại diện Liên đoàn Lao động Việt Nam đều cho rằng, dịch COVID-19 đã và vẫn đang tiếp tục tác động nghiêm trọng tới kinh tế-xã hội ở trong nước và trên toàn thế giới.

“Tăng lương tối thiểu sẽ tác động đến việc làm của người lao động, nhất là trong bối cảnh mọi doanh nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ không điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2021,” ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI) nêu ý kiến.

Đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam, báo cáo Chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2020 của VCCI đã chỉ ra rằng, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2020, tổng cộng có 101.700 doanh nghiệp tại Việt Nam đã ngừng hoạt động; trong đó, 17.500 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể và 37.700 doanh nghiệp đang chờ hoàn tất thủ tục giải thể gây ảnh hưởng đến đời sống của 7,2 triệu người lao động.

Những tác động của dịch COVID-19 có thể sẽ dội trở lại nền kinh tế trong nước vào bất kỳ lúc nào.

Các doanh nghiệp sẽ phải chật vật để khôi phục hoạt động kinh doanh, tái thiết lập các quan hệ đối tác cũ và tìm kiếm các thị trường mới. Cùng lúc đó, những người lao động bị mất việc có thể phải gắng sức tìm kiếm công việc mới, kỹ năng làm việc của những người thất nghiệp lâu ngày sẽ bị "cùn" dần.

Không chỉ hoạt động của doanh nghiệp bị thu hẹp bởi dịch COVID-19 mà doanh thu của họ cũng "lao dốc" khi người tiêu dùng phải hạn chế ra khỏi nhà để tuân thủ lệnh giãn cách xã hội. Tỷ lệ doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu là 66% với doanh nghiệp tư nhân trong nước và 62% với doanh nghiệp FDI.

Cùng với đó, chi phí leo thang khi các doanh nghiệp phải chi trả thêm các khoản chi phí khác để đảm bảo an toàn và vệ sinh phòng dịch, chuyển đổi sang mô hình làm việc linh hoạt hoặc chi trả tiền nghỉ ốm cho các nhân viên tự cách ly...

Trong bối cảnh nguồn lực ngày càng khó khăn, các doanh nghiệp vật lộn để tồn tại, dẫn đến tình trạng thất nghiệp tăng mạnh do doanh nghiệp giải thể hoặc cắt giảm lao động mạnh để giảm chi phí.

Tính theo điều tra PCI 2020 được VCCI công bố mới đây, tổng số lao động bị mất việc đã là 40.239 người; trong đó gần 28.000 người trong khối doanh nghiệp tư nhân trong nước và hơn 12.000 trong khối doanh nghiệp FDI.

Khuyến nghị chưa nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 - Ảnh 2.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản Cafatex (Hậu Giang). (Ảnh: TTXVN)

Đáng lo ngại là tác động không đồng đều của cuộc khủng hoảng đối với các vùng hoặc các khu vực kinh tế.

Thất nghiệp ở vùng miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng cao hơn đáng kể so với vùng Đồng bằng sông Cửu Long hoặc các tỉnh lân cận của Thành phố Hồ Chí Minh.

Các ngành sản xuất bị ảnh hưởng nhiều hơn các ngành dịch vụ. VCCI cũng khuyến nghị, Chính phủ cần ưu tiên việc khắc phục cú sốc ngoại sinh không đồng đều này một cách công bằng nhằm đảm bảo mọi doanh nghiệp, mọi công dân đều được hưởng lợi như nhau trong quá trình phục hồi.

Mặt khác cần cân nhắc việc đầu tư nguồn lực vào việc tái đào tạo và trang bị kỹ năng cho những người lao động đang cần tìm kiếm việc làm trong các ngành nghề có khả năng ứng phó khủng hoảng linh hoạt hơn.

Tại cuộc họp báo mới nhất của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về tình hình lao động quý 1 năm 2021, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, trong quý 1 năm 2021, thị trường lao động Việt Nam đã hứng chịu những tác động xấu do sự bùng phát lần thứ 3 của đại dịch COVID-19.

Theo đó làm suy giảm đà phục hồi của thị trường lao động đã đạt được trong 2 quý cuối năm 2020.

Kết quả điều tra lao động việc làm quý 1 năm 2021 ghi nhận số người tham gia thị trường lao động giảm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Cả nước có 9,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức và lao động thiếu việc làm đều tăng. Số người lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động trong quý 1 năm 2021 là 971,4 nghìn người; tăng 143,2 nghìn người so với quý trước và tăng 78,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý 1 năm 2021 là 2,2%; tăng 0,38 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,22 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Từ thực tiễn địa phương, ông Trác Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Liên hiệp hợp tác xã Thanh Long Bình Thuận cho hay, doanh nghiệp gần như dừng hoạt động từ nửa cuối năm 2020 cho đến nay, do không có đơn hàng, không duy trì được sản xuất nên cũng không có nguồn thu để trả lương cho người lao động.

Cũng do quy mô hoạt động và một số tiêu chí khác nên doanh nghiệp không đáp ứng đủ các tiêu chí để nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước nhằm ứng phó và vượt qua đại dịch COVID-19.

Ông Trác Anh cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp phải tự vật lộn, chèo lái và linh hoạt chuyển đổi sang 1 số lĩnh vực dịch vụ nhằm lấy ngắn nuôi dài, tạm cầm cự duy trì việc làm cho những vị trí nhân sự chủ chốt.

Số đông lao động còn lại hiện vẫn đang phải nghỉ việc tạm thời và chưa biết khi nào trở lại làm việc. Vì lẽ đó, nếu áp dụng quy định tăng lương tối thiểu là điều bất hợp lý và khó có thể thực hiện được đối với doanh nghiệp.

Trong bối cảnh thiếu việc làm và sức khỏe của doanh nghiệp còn khó khăn như hiện nay, quyết định không tăng lương tối thiểu vùng không chỉ là việc làm phù hợp mà còn nhận được sự đồng tình hưởng ứng của số đông cộng đồng xã hội./.


Ngọc Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)
Cùng chuyên mục