Kiên Giang: Nhiều nông dân trồng cây, nuôi con "độc, lạ" cho thu nhập khủng

Chúc Ly - Ngọc Quyên Thứ tư, ngày 23/09/2020 07:00 AM (GMT+7)
Bình quân hàng năm tỉnh Kiên Giang có hơn 92.000 hộ nông dân đăng ký tham gia, trong đó có hơn 55.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Nhiều hộ nông dân giỏi có thu nhập khủng, lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm
Bình luận 0

Theo Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, thời gian qua, các phong trào thi đua, tạo được khí thế thi đua sôi nổi. Nội dung thi đua phong phú, thiết thực, sát với nhiệm vụ trọng tâm của Hội và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, nông dân.

Trong đó, nổi bật là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đây là phong trào trọng tâm của Hội Nông dân tỉnh đã và đang đem lại nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả trong đời sống, kinh tế, xã hội nông thôn.

Kiên Giang có 55.000 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi mỗi năm - Ảnh 1.

Bà Bùi Thị Hiền – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang thăm trang trại trồng rau thủy canh Thái Lan Farm. Ảnh: Ngọc Quyên.

Theo đó, phong trào đã thu hút được đông đảo các hộ nông dân tham gia. Bình quân hàng năm có hơn 92.000 hộ nông dân đăng ký, trong đó có hơn 55.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó đạt danh hiệu cấp tỉnh và Trung ương chiếm 12%; cấp huyện chiếm 28% và cấp xã chiếm 60%.

Đặc biệt, phong trào đã thu hút đông đảo nông dân tham gia, xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến với những mô hình kinh tế hiệu quả như: Mô hình dịch vụ, trồng lúa của ông Nguyễn Thanh Hồng xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất; mô hình sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, trồng cây chanh, nuôi cá của ông Ngô Thọ Hòa, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành; ông Trương Văn Dô (mắm 8 Dô) xã Ngọc Thuận, huyện Giồng Riềng; ông Bùi Hải Nhìn xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh…

Kiên Giang có 55.000 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi mỗi năm - Ảnh 2.

Mô hình nuôi rắn hổ mang của nông dân ông Nguyễn Văn Hiểu (Ba Hiểu), ngụ ấp Ngọc Thành, xã Vân Khánh Đông (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang). Ảnh: Ngọc Quyên.

Từ phong trào đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong nội bộ nông dân. Nhất là việc nông dân trực tiếp hỗ trợ về kinh nghiệm sản xuất, hướng dẫn cách thức làm ăn, giúp vốn, vật tư, cây, con giống cho hội viên nông dân từ nghèo khó vươn lên ổn định cuộc sống.

Các cấp Hội đã vận động các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giúp cho hơn 500 lao động có việc làm tại chỗ, thường xuyên hoặc làm theo mùa vụ; có 984 hộ hội viên thoát nghèo; nhiều hộ phát triển khá giàu, đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương và trong tỉnh trên 38 tỷ đồng đã hỗ trợ cho hơn 8.000 lượt hộ nông dân vay vốn, xây dựng 815 mô hình, dự án, ưu tiên đầu tư cho các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết (tổ, nhóm) sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.

Các dự án đầu tư đã thực sự góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng sản xuất khai thác được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều gia đình hội viên nông dân, góp phần tích cực trong tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Kiên Giang có 55.000 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi mỗi năm - Ảnh 3.

Bà Trần Thị Bé Thùy bỏ làm công nhân ở Bình Dương trở lại quê nhà ấp Kênh 10, thị trấn Tân Hiệp (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) trồng ổi nữ hoàng, trồng rau sạch cho thu nửa triệu/ngày. Ảnh: Ngọc Quyên.

Nhiều mô hình làm ăn hiệu quả như: Dự án Trồng và chăm sóc vườn măng cụt xã Ngọc Hòa - huyện Giồng Riềng, dự án Cải tạo đất trồng rau màu phường Vĩnh Thông - TP.Rạch Giá, dự án Nuôi bò vỗ béo xã Mỹ Thái - huyện Hòn Đất, dự án Trồng lúa chất lượng cao xã Phi Thông – TP.Rạch Giá...

Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh ký kết chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng NNPTNT về việc thực hiện chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn trên 1000 tỷ đồng, qua đó giúp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên nông dân vay vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ và phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ.

Theo bà Bùi Thị Hiền – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền nhân rộng các mô hình, điển hình tiêu biểu làm kinh tế có hiệu quả bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội thảo, tham quan, học tập kinh nghiệm...

Bên cạnh đó, phát động các phong trào thi đua góp phần xây dựng và phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững có năng suất chất lượng và sức cạnh tranh cao; tiếp cận, nắm bắt để đầu tư cho sản xuất, phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trước đó, Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến lần thứ V, giai đoạn 2015-2020. Dịp này, có 18 tập thể, 90 cá nhân có thành tích xuất sắc điển hình tiên tiến giai đoạn 2016-2020 được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tặng Bằng khen.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem