Kinh tế Mỹ phất lên bất chấp sóng gió thương mại
Kinh tế Mỹ khởi sắc bất chấp bất ổn thương mại
Chi tiêu tiêu dùng tăng và năng suất lao động tăng, nền kinh tế Mỹ đang phất lên
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ hôm 15.8 cho thấy năng suất lao động nước này đã tăng trong quý II, điều có thể kéo theo mức lương bình quân tăng trưởng trong tương lai gần. Cụ thể, năng suất làm việc tính trên mỗi giờ làm đã tăng 2,3% trong quý II, sau khi chứng kiến mức giảm 3,5% trong 3 tháng đầu năm.
Việc năng suất lao động tăng cao có ý nghĩa rất lớn trong triển vọng nâng cao mức sống. Nó cho phép các công ty tăng lương cho công nhân, người lao động mà không tăng giá sản phẩm để bù đắp. Tính trong năm 2018, năng suất lao động đã tăng khoảng 1,8%.
Một dữ liệu kinh tế quan trọng khác thể hiện triển vọng của kinh tế Mỹ là doanh số bán lẻ tăng 0,7% trong tháng 7, theo báo cáo hôm 15.8 của Bộ Thương mại, vượt xa con số dự đoán 0,3%. Hồi tháng 6, doanh số bán lẻ cũng tăng 0,3% bất chấp những căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ Trung. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự lạc quan của người tiêu dùng có vẻ không bị ảnh hưởng nhiều vì bất ổn thương mại hay nguy cơ suy thoái như thị trường đang lo ngại. Các nhà bán lẻ dẫn đầu là Walmart đều báo cáo doanh thu tăng mạnh. Cổ phiếu Walmart thậm chí tăng hơn 6% sau khi hãng công bố báo cáo kinh doanh quý II.
Chi tiêu tiêu dùng vốn là động lực chính của nền kinh tế Mỹ. Và thật lạc quan khi con số này vẫn tăng trưởng đều đặn trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ Trung kéo dài hơn một năm nay. Tăng trưởng việc làm ổn định, tỷ lệ thất nghiệp tiệm cận mức thấp nhất trong 50 năm qua và tiền lương cũng tăng nhẹ, đó là những động lực to lớn thúc đẩy sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ.
Với những kết quả khả quan này, các nhà kinh tế giờ đây đang hy vọng người tiêu dùng sẽ cứu nền kinh tế Mỹ khỏi bờ vực suy thoái bằng việc mức tăng chi tiêu đầy lạc quan như hiện tại.
Trump không cho FED cơ hội quay đầu
Ngay sau khi những dữ liệu kinh tế mạnh mẽ được công bố, Tổng thống Donald Trump, người bị cáo buộc chịu trách nhiệm cho rủi ro suy thoái kinh tế đang tiến đến gần nước Mỹ, đã lập tức bày tỏ sự hân hoan. “Mỹ cho đến nay vẫn là nền kinh tế lớn nhất, mạnh nhất và quyền lực nhất thế giới. Khi những nền kinh tế khác chùn chân, chúng ta vẫn không ngừng mạnh mẽ hơn. Người tiêu dùng đang ở trạng thái giàu có nhất, sở hữu lượng tiền mặt dồi dào”.
Nhưng những dữ liệu này dường như không thể thay đổi xu hướng cắt giảm lãi suất sâu của FED trong cuộc họp Ủy ban thị trường mở vào tháng 9 tới. Hồi tháng 7, FED đã hạ lãi suất 0,25% lần đầu tiên sau 11 năm, trong mối quan ngại thương chiến leo thang và kinh tế toàn cầu bước đến bờ vực suy thoái. Mới đây, ngân hàng Trung Ương Ấn Độ và Thái Lan cũng cắt giảm lãi suất, ngân hàng Châu Âu thì đang xem xét một động thái tương tự.
Rõ ràng chi tiêu tiêu dùng đang thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng, giảm bớt áp lực lên FED, nhưng những diễn biến bất ổn của thương mại trong bối cảnh Trump sắp áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ không cho FED cơ hội chùn bước. Đặc biệt là khi Bắc Kinh thề sẽ trả đũa một khi mức thuế 10% có hiệu lực.