dd/mm/yyyy

Kinh tế trang trại tăng tốc phát triển

“Cả nước có khoảng 33.806 trang trại, phát triển kinh tế trang trại đang là một trong những hướng đi tích cực trong quá trình phát triển nông nghiệp hàng hóa, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân nông thôn”.

TS. Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn chia sẻ với Trang Trại Việt về sự phát triển của kinh tế trang trại trong thời gian qua.

Sử dụng đất, vốn, kỹ thuật hiệu quả vượt trội

Phát triển kinh tế trang trại (KTTT) là hướng đi đúng đắn của sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung nhằm nâng cao năng suất, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống người dân, thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo ở khu vực nông thôn nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Phát triển kinh tế trang trại là hướng đi đúng đắn của sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung nhằm nâng cao năng suất, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. tư liệu
Phát triển kinh tế trang trại là hướng đi đúng đắn của sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung nhằm nâng cao năng suất, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. tư liệu

Thực tế cho thấy, KTTT góp phần tạo việc làm ổn định với thu nhập khá cho nhiều lao động nông thôn; góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM). Quan trọng hơn, KTTT đã làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế của một bộ phận nông dân, giúp chủ động và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng thị trường… từ đó hình thành một lực lượng lao động mới năng động hơn trong nông nghiệp.

Đánh giá về sự phát triển của KTTT, chia sẻ với Trang Trại Việt, TS. Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết: “Trong những năm gần đây, KTTT ngày càng khẳng định vị thế của mình. Hiệu quả sử dụng đất đai, lao động, máy móc thiết bị của trang trại đã thực sự vượt trội so với kinh tế hộ”.

Đến cuối năm 2018, trên cả nước có khoảng 33.806 trang trại, sử dụng 184.000ha đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; bình quân một trang trại sử dụng 5,4ha; các trang trại đã tạo thêm việc làm, thu hút ngày càng nhiều lao động. Năm 2017, tổng số lao động thường xuyên của trang trại đạt 135.500 người.

 Trong những năm gần đây, kinh tế trang trại ngày càng khẳng định vị thế của mình. Hiệu quả sử dụng đất đai, lao động, máy móc thiết bị của trang trại đã thực sự vượt trội so với kinh tế hộ. TS. Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn

Ngoài tạo việc làm cho hàng vạn lao động, các trang trại còn sản xuất ra một khối lượng lớn sản phẩm hàng hóa. Tổng giá trị nông, lâm, thủy sản của các trang trại năm 2016 đạt 92.300 tỷ đồng; giá trị nông, lâm, thủy sản bình quân một trang trại thu được đạt 2.757,7 triệu đồng.

Đã có nhiều mô hình trang trại phát huy được lợi thế, mang lại hiệu quả kinh tế cao, doanh thu từ 1 – 3 tỷ đồng/năm; thậm chí một số mô hình cho doanh thu từ 5 – 10 tỷ đồng/năm, khẳng định kinh tế trang trại là một trong những loại hình mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Đơn cử như tại Hưng Yên, toàn tỉnh hiện có 865 mô hình kinh tế trang trại, tổng giá trị sản phẩm hàng hóa đạt 2.158,2 tỷ đồng, bình quân mỗi trang trại đạt 2,5 tỷ đồng. Tại Bắc Giang, tính đến tháng 4.2017, trên địa bàn đã có 778 trang trại, giá trị sản xuất thu được từ loại hình kinh tế trang trại đạt 1.540 tỷ đồng. Hay như Hà Nội có hơn 1.320 trang trại với gần 700 trang trại có thu nhập từ 1-3 tỷ đồng/năm…

Hỗ trợ đất đai, tiếp cận thị trường

Về hiệu quả của KTTT, ông Ma Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đánh giá: “Phát triển KTTT đã khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; thu hút và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại chỗ, tăng thu nhập; khuyến khích làm giàu đi đôi với xoá đói giảm nghèo; phân bổ lại lao động, dân cư, xây dựng nông thôn mới.

Ông Trung nhấn mạnh, đây là một bước phát triển mới của kinh tế hộ gắn với mục tiêu sản xuất hàng hoá quy mô lớn, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hoá, tạo điều kiện cho công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, KTTT cũng đang bộc lộ những hạn chế, bất cập. Công tác quy hoạch sản xuất chưa rõ nét nên các sản phẩm manh mún, chất lượng không đồng đều dẫn đến khó phát triển công nghiệp chế biến. Tình trạng được mùa, mất giá, hoặc sản phẩm đến kỳ thu hoạch không tiêu thụ được vẫn xảy ra. Các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch lạc hậu, làm cho sản phẩm của nông dân luôn chịu sức ép về tính thời vụ, giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Trong giai đoạn hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, con đường phát triển của Việt Nam vẫn là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó có phát triển nền nông nghiệp gia tăng giá trị, bền vững, hiệu quả, và mô hình KTTT vẫn được xem là hướng đi đúng đắn, cần thiết.

Để phát triển tốt mô hình này theo ông Ma Quang Trung, cần quy hoạch các vùng phát triển KTTT phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn, quy hoạch xây dựng kết cầu hạ tầng để phát huy lợi thế về cây trồng, vật nuôi hạn chế tình trạng hình thành tự phát, giúp các chủ trang trại phát triển đúng hướng, dễ dàng liên kết với nhau tạo thành các vùng sản xuất tập trung. Bên cạnh đó, theo TS. Lê Đức Thịnh, để trang trại phát triển bền vững cần tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách và các thủ tục hành chính giúp các chủ trang trại thuê khoán, chuyển đổi, chuyển nhượng đất đai để trang trại có diện tích đủ lớn, có thể áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thật, công nghệ mới vào sản xuất, nang cao hiệu quả.

Ngoài ra, theo ông Thịnh, việc hỗ trợ trang trại tiếp cận thị trường, tiêu thụ nông lâm sản hàng hóa sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Việc cung cấp thông tin thị trường, dự báo và khuyến cáo về thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và quốc tế sẽ giúp các trang trại lựa chọn mặt hàng sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: Đình Thắng