Kinh tế Trung Quốc vừa có dấu hiệu giảm tốc, giá dầu lập tức chịu sức ép

02/08/2021 17:01 GMT+7
Giá dầu giảm trong phiên giao dịch 2/8 trên thị trường châu Âu do lo ngại đà tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu chậm lại.

Kết thúc phiên giao dịch chiều 2/8 tại châu Âu, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 0,76 USD, tương đương 1% xuống 74,65 USD / thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 0,69 USD, tương đương 0,9% xuống 73,26 USD / thùng sau khi trượt xuống mức thấp nhất trong phiên là 72,87 USD.

Giá dầu giảm do quan ngại về đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc sau khi một cuộc khảo sát gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng hoạt động nhà máy tại quốc gia này đã giảm đáng kể trong tháng 7. Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai hành tinh, do đó bất kỳ biến động nào của nền kinh tế Trung Quốc đều có ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ. Thêm vào đó, nguy cơ gia tăng sản lượng dầu từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC cũng là một nguyên nhân góp phần đưa giá dầu hạ nhiệt.

Edward Moya, một nhà phân tích cấp cao của OANDA, cho biết: “Trung Quốc đang dẫn đầu sự phục hồi kinh tế ở châu Á và nếu sự suy giảm tăng trưởng có xu hướng trầm trọng hơn, mối quan ngại thị trường về triển vọng giảm nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng lên đáng kể. Hiện triển vọng nhu cầu dầu đang không ổn định và thực tế này sẽ không cải thiện chừng nào chiến dịch tiêm chủng toàn cầu đạt những tiến bộ mới”.

Kinh tế Trung Quốc vừa có dấu hiệu giảm tốc, giá dầu lập tức chịu sức ép - Ảnh 1.

Dầu trượt giá do ảnh hưởng từ kinh tế Trung Quốc (Ảnh: Bloomberg)

Trước đó, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của nước này đã giảm từ mức 50,9 hồi tháng 6 xuống chỉ còn 50,4 trong tháng 7. Con số duy trì trên mức trung lập 50, phản ánh sự mở rộng hoạt động sản xuất, tuy nhiên với tốc độ ngày một chậm rãi. Đây cũng là tháng mà Trung Quốc ghi nhận chỉ số PMI thấp nhất kể từ thời điểm tháng 2/2020, khi chính phủ Bắc Kinh phong tỏa hàng loạt tỉnh thành để kiểm soát sự lây lan đại dịch Covid-19. Hàng loạt yếu tố như chi phí nguyên liệu thô tăng vọt, thời tiết khắc nghiệt và lũ lụt kinh hoàng… là những nguyên nhân làm chậm đà tăng trưởng của hoạt động sản xuất tại Trung Quốc.

Một cuộc khảo sát khác của Reuters cho thấy sản lượng dầu mà OPEC bơm ra thị trường trong tháng 7 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020 khi khối này tiếp tục nới lỏng hạn chế sản lượng dầu với các đồng minh. Hôm 18/7, các Bộ trưởng OPEC+ (bao gồm OPEC và các đồng minh) đã thống nhất tăng nguồn cung dầu ra thị trường từ tháng 8 nhằm hạ nhiệt thị trường dầu khi giá dầu thế giới có thời điểm leo lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 năm. 

Trong khi đó, trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, biến thể delta đang lây lan nhanh chóng khiến nhiều quốc gia buộc phải thực hiện các biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt, qua đó làm giảm nhu cầu dầu. 

Trung Quốc hiện đang ghi nhận các ca nhiễm xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trong khi số ca nhiễm mới tại Sydney, Úc đã tăng lên mức kỷ lục. Tại Mỹ, dù các nhà chức trách cho biết sẽ không đóng cửa lần nữa trong nỗ lực kiểm soát virus nhưng nhìn chung biến thể delta đang gây ra sự gia tăng mạnh mẽ các ca nhiễm mới tại nhiều bang. Thái Lan, Malaysia và nhiều quốc gia Đông Nam Á khác cũng ghi nhận số ca nhiễm mới tăng vọt hàng ngày. 


NTTD
Cùng chuyên mục