Dàn xếp xong mâu thuẫn nội bộ, OPEC+ đồng thuận tăng cung dầu

19/07/2021 05:59 GMT+7
Để khắc phục bất đồng, trong cuộc thảo luận lần này, OPEC + đã đồng ý điều chỉnh hạn ngạch sản lượng mới cao hơn cho một số thành viên bao gồm UAE, Saudi Arabia, Nga, Kuwait và Iraq từ tháng 5/2022.

Các Bộ trưởng đến từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và đồng minh (gọi tắt là OPEC+) hôm 18/7 đã thống nhất tăng nguồn cung dầu ra thị trường từ tháng 8 nhằm hạ nhiệt thị trường dầu khi giá dầu thế giới có thời điểm leo lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 năm qua.

Cuộc thảo luận hôm 18/7 của OPEC+ đã mang lại kết quả tích cực khi nhóm này nhất trí nâng mức phân bổ sản lượng mới cho một số quốc gia trong đó có UAE từ tháng 5/2022.

"Chúng tôi rất vui với thỏa thuận này", Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail bin Mohammed al-Mazroui phát biểu trong một cuộc họp báo ngay chiều 18/7 (giờ địa phương). Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman từ chối thảo luận thêm về vấn đề.

Dàn xếp xong mâu thuẫn nội bộ, OPEC+ đồng thuận tăng cung dầu - Ảnh 1.

Dàn xếp xong mâu thuẫn nội bộ, OPEC+ đồng thuận tăng cung dầu (Ảnh: Reuters)

Năm ngoái, OPEC+ đã đồng ý thông qua thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục lên tới 9m7 triệu thùng dầu/ ngày trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nhu cầu dầu, khiến giá dầu sụt mạnh. Thỏa thuận kéo dài từ tháng 5/2020 và sau đó được gia hạn đến cuối tháng 4/2022. Khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi từ đại dịch mở ra triển vọng sáng cho nhu cầu dầu, nhóm này đã dần thu hẹp mức giảm sản lượng xuống còn 5,8 triệu thùng/ ngày.

Cuộc họp hôm 18/7 của OPEC+ cũng thống nhất tăng nguồn cung dầu vào thị trường khoảng 0,4 triệu thùng/ ngày trong khoảng thời gian tháng 8 đến tháng 12/2021. Nhóm cũng đồng ý gia hạn hiệp ước chung về sản lượng dầu cho đến cuối năm 2022 thay vì tháng 4/2022 như dự kiến trước đó để có thêm sức mạnh điều tiết thị trường trong trường hợp biến thể virus mới đe dọa đà khôi phục kinh tế toàn cầu.

Hồi đầu tháng 7, một cuộc họp của OPEC+ đã kết thúc mà không có thỏa thuận nào do bất đồng nội bộ. Cụ thể, phía UAE phản đối việc gia hạn thỏa thuận nới sản lượng dầu, chỉ đồng ý nâng sản lượng trong ngắn hạn. Trong khi đó, Saudi Arabia đại diện cho ý kiến của các thành viên khác của OPEC+, bao gồm Nga thì khẳng định nên tiếp tục gia hạn thỏa thuận nới lỏng sản lượng cho tới cuối năm 2022 để đảm bảo sự ổn định của thị trường dầu. 

Việc đàm phán thất bại thời điểm đó đồng nghĩa nhóm sẽ giữ nguyên giới hạn sản lượng dầu hiện tại trong tháng 8 và chỉ đưa thêm dầu vào thị trường chừng nào nhu cầu dầu phục hồi trở lại hậu đại dịch. Daniel Hynes, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại ANZ nhận định rằng việc OPEC+ không đạt được thỏa thuận nào trong tuần qua có nguy cơ phá vỡ sự thống nhất của khối cũng như làm dấy lên quan ngại khả năng cung vượt quá cầu trên thị trường dầu. 

Để khắc phục bất đồng từ phiên thảo luận trước, trong cuộc thảo luận lần này, OPEC + đã đồng ý điều chỉnh hạn ngạch sản lượng mới cao hơn cho một số thành viên bao gồm UAE, Saudi Arabia, Nga, Kuwait và Iraq từ tháng 5/2022.

Theo tính toán của Reuters, các điều chỉnh như vậy sẽ bổ sung tổng cộng 1,63 triệu thùng dầu/ ngày vào cung dầu toàn cầu từ tháng 5/2022.

Với mức điều chỉnh của OPEC+, sản lượng dầu của UAE sẽ tăng từ mức 3,168 triệu thùng/ ngày hiện tại lên 3,5 triệu thùng vào tháng 5/2022.

Saudi Arabia và Nga sẽ chứng kiến sản lượng dầu tăng lên 11,5 triệu thùng/ ngày từ mức 11 triệu thùng/ ngày hiện tại. Còn Iraq và Kuwait cũng sẽ được tăng sản lượng dầu khoảng 150.000 thùng/ ngày cho mỗi quốc gia.


NTTD
Cùng chuyên mục