Trung Quốc lập quỹ 32 tỷ USD để giải cứu DNNN trước rủi ro vỡ nợ

02/08/2021 09:30 GMT+7
Chính phủ Trung Quốc gần đây đã tạo một quỹ trị giá 210 tỷ Nhân dân tệ (32,5 tỷ USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp quốc doanh trước rủi ro vỡ nợ, qua đó giảm bớt gánh nặng tài chính.

Chính quyền thành phố Thiên Tân hồi tháng 6 đã thành lập một quỹ 20 tỷ Nhân dân tệ nhằm nâng cao niềm tin thị trường vào sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp quốc doanh địa phương. Nhiều tỉnh, thành, khu vực khác tại Trung Quốc cũng đang tham khảo việc thành lập một quỹ tương tự.

Trong năm qua, tỉnh Hà Nam và Hà Bắc đều đã khởi động việc thành lập một quỹ trị giá khoảng 30 tỷ Nhân dân tệ để giảm thiểu nguy cơ doanh nghiệp quốc doanh vỡ nợ. Tỉnh Vân Nam cũng lập một quỹ tương tự với số vốn lớn hơn. Các công ty tài chính, nhà băng địa phương cũng tham gia vào quỹ này nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho chính quyền.

Về phía chính phủ Trung Ương, hồi tháng 7/2020, Bắc Kinh đã thành lập một quỹ trị giá 100 tỷ Nhân dân tệ chuyên xử lý rủi ro vỡ nợ trái phiếu tiềm ẩn. Quỹ này được hậu thuẫn bởi 31 công ty quốc doanh và China Reform Holdings thuộc sở hữu nhà nước.

Trung Quốc lập quỹ 32 tỷ USD để giải cứu DNNN trước rủi ro vỡ nợ - Ảnh 1.

Trung Quốc lập quỹ 32 tỷ USD để giải cứu DNNN trước rủi ro vỡ nợ (Ảnh: AFP)

Tờ Nikkei Asian Review cho hay tổng giá trị các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2021 đã lên tới 116 tỷ Nhân dân tệ (18 tỷ USD), một con số kỷ lục cao chưa từng có. Rủi ro vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp ở Trung Quốc đang gây ra tình trạng báo động với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài chính internet Shanghai DZH, dự báo tổng giá trị các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp tại Trung Quốc năm 2021 có thể vượt qua mức kỷ lục hơn 187 tỷ Nhân dân tệ được ghi nhận vào năm ngoái.

Một nguy cơ đáng lo sợ hơn cả doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu, đó là rủi ro vỡ nợ trái phiếu do chính quyền địa phương phát hành (còn gọi là LGFV). Các LGFV được chính quyền địa phương thành lập để lách lệnh cấm của Bắc Kinh về việc vay mượn trực tiếp từ ngân hàng. 

Cho đến nay, chưa có LGFV Trung Quốc nào từng vỡ nợ trái phiếu. Nhưng từ vài năm nay, nhiều tổ chức xếp hạng như Fitch Rating hay S&P Global Ratings đã cảnh báo đợt vỡ nợ đầu tiên có thể sẽ xảy đến do tốc độ tăng tín dụng quá nhanh trong những tháng qua, khi các chính quyền địa phương cần dư địa tín dụng để kích thích nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Hồi tháng 3 năm nay, công ty khai thác than Jizhong Energy do chính quyền Hà Bắc hậu thuẫn đã bỏ lỡ một đợt thanh toán trái phiếu. Dù rằng công ty này tuyên bố việc bỏ lỡ đợt thanh toán là do sự cố hệ thống, nhưng điều này vẫn khiến các nhà đầu tư cảnh giác về sức khỏe tài chính doanh nghiệp.

Trước nguy cơ doanh nghiệp quốc doanh vỡ nợ trái phiếu, nội các  Quốc vụ viện Trung Quốc đầu năm nay đã ban hành hướng dẫn giải quyết rủi ro nợ của các công ty thuộc sở hữu chính quyền địa phương, tỉnh hoặc thành phố. Hội đồng Nhà nước kêu gọi chính quyền địa phương giảm thiểu rủi ro vỡ nợ như vậy nhằm củng cố sức mạnh hệ thống tài chính Trung Quốc.

S&P Global nhận định việc Trung Quốc thành lập các quỹ giảm thiểu rủi ro vỡ nợ sẽ giúp xoa dịu tâm lý đầu tư. Tuy nhiên, nếu các quỹ này tập trung vào các gói cứu trợ tài chính để duy trì việc làm tại địa phương, điều này vô hình chung sẽ giúp các “công ty zombie” duy trì hoạt động, qua đó trì hoãn cải cách khu vực kinh tế quốc doanh. “Công ty zombie” là một thuật ngữ ám chỉ các công ty mắc nợ nhiều và chủ yếu dựa vào các khoản vay, trợ cấp từ chính phủ để tồn tại. 

Theo S&P Global, ngoài các quy định hỗ trợ, Trung Quốc cần nâng cao năng lực cạnh tranh của bản thân doanh nghiệp nếu muốn giải quyết vấn đề nợ trong dài hạn.


NTTD
Cùng chuyên mục