Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2019

16/12/2019 18:23 GMT+7
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất ASEAN năm 2019. Đây là nhận định của nhiều tổ chức quốc tế tại cuộc gặp mặt với Ngân hàng Nhà nước mới đây. Đồng thời, khyến nghị Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục cải thiện sự bền vững và khả năng chống chịu của nền kinh tế, phát triển lĩnh vực tài chính – ngân hàng và thị trường vốn.

"Kinh tế Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng từ 6,8% - 6,9% trong năm 2019 - là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới" – đây là nhận định được đưa ra tại buổi gặp mặt cuối năm với các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, đối tác song phương, đa phương và các tổ chức tín dụng (TCTD) nước ngoài tại Việt Nam, các chuyên gia nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2019 - Ảnh 1.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng: "Bất chấp những khó khăn thách thức từ bên ngoài và từ nội tại nền kinh tế, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong 11 tháng đầu năm, tăng trưởng đạt gần mức 7%, dự báo cả năm có thể cao hơn mức 6,8%". Ông cũng cho biết, mục tiêu, lạm phát trung bình ở mức 2,57%, ổn định kinh tế vĩ mô được củng cố, động lực tăng trưởng được duy trì bên cạnh những thành công đầy khích lệ trong việc triển khai chương trình cải cách các lĩnh vực kinh tế quan trọng.

Ngành ngân hàng đã góp phần quan trọng vào việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kinh tế phát triển cao. Tỷ giá được duy trì ổn định, lạm phát và lãi suất được điều hành hợp lý hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Lượng dự trữ ngoại hối được tích lũy cao ở mức kỷ lục trong năm 2019 cho thấy lòng tin vào chính sách của Chính phủ và NHNN đã và đang tiếp tục được củng cố, hỗ trợ cho các chính sách kinh tế vĩ mô khác trong thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao khả năng chống chọi với các cú sốc của nền kinh tế, tiến tới phát triển bền vững.

Bên cạnh việc duy trì ổn định vĩ mô, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh: "Công tác tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu Trong năm 2019 cũng đã được triển khai tích cực. NHNN đã tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách, khuôn khổ và cơ chế giúp nâng cao tiêu chuẩn an toàn trong hoạt động ngân hàng phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao năng lực quản trị điều hành. Đến nay 18 ngân hàng đã tuân thủ tiêu chuẩn Basel II, sớm hơn thời hạn quy định. Nợ xấu đã giảm mạnh và được kiểm soát ở mức thấp, kỷ cương kỷ luật trong hoạt động ngân hàng được tăng cường giúp nâng cao lòng tin của người gửi tiền, ổn định hệ thống tài chính ngân hàng."

Tại buổi gặp mặt, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng ngành ngân hàng đã góp phần quan trọng vào việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có xu hướng phục hồi song vẫn còn nhiều thách thức và rủi ro tiềm ẩn.

"Nền kinh tế tiếp tục cho thấy sự vững vàng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động và bất định ngày càng tăng. Trong cập nhật triển vọng kinh tế mới nhất, WB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,5% lên khoảng 6,8% cho năm 2019 – và điều này cho thấy Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới" Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam khẳng định.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2019 - Ảnh 2.

Ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại buổi gặp mặt

Đại diện các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế và các TCTD nước ngoài đánh giá cao nỗ lực của NHNN trong dẫn dắt triển khai chương trình nghị sự về tài chính toàn diện, hoàn thành đúng thời gian việc xây dựng chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Các tổ chức tài chính quốc tế và các tổ chức tín dụng nước ngoài khẳng định ủng hộ và cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng NHNN để phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam; đồng thời kỳ vọng chiến lược tài chính toàn diện quốc gia sẽ sớm được triển khai trong năm 2020.

Về những thành tựu đạt được trong ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong điều hành chính sách tiền tệ và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong thời gian qua, đại diện các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế và các TCTD nước ngoài kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt hơn nữa trong thời gian tới để sẵn sàng đối phó với những biến động khó lường trên toàn cầu hiện nay, cũng như góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của Việt Nam một cách nhanh và bền vững hơn. Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục cải thiện sự bền vững và khả năng chống chịu của nền kinh tế, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, cải cách thể chế, phát triển lĩnh vực tài chính – ngân hàng và thị trường vốn.

Ngoài ra, đại diện các TCTD nước ngoài cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh những nỗ lực cải thiện chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh; đẩy mạnh quá trình số hoá, công nghệ hoá; thu hút nhiều hơn các tổ chức tài chính đa quốc gia đến và đầu tư vào Việt Nam và tạo điều kiện tốt nhất cho các khách hàng/ doanh nghiệp trong bối cảnh ngày càng nhiều Hiệp định tư do thương mại có hiệu lực. Đây là những thay đổi cần thiết không chỉ tốt cho Việt Nam trong ngắn hạn mà còn cho dài hạn.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục