KQKD quý I/2024: FPT Retail báo lãi tăng "đột biến", đạt 71% kế hoạch năm
CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail; HoSE: FRT) ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ở mức 9.067,8 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng 10% lên 7.234,3 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính kỳ này tăng 53% lên 25,2 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm 30% còn 60,6 tỷ đồng và gần như toàn bộ là chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng tăng 51% lên 1.380,4 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 47% lên 302,5 tỷ đồng.
Kết quả, FPT Retail báo lãi trước thuế 88,7 tỷ đồng, lãi sau thuế 60,7 tỷ đồng, lần lượt gấp gần 44 lần và 30 lần so với cùng kỳ năm trước (lãi trước thuế và sau thuế quý I/2023 là 2,1 tỷ đồng).
Giải trình về kết quả kinh doanh trên, RPT Retail cho biết nguyên nhân chủ yếu do lợi nhuận sau thuế công ty mẹ cải thiện so với cùng kỳ.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế báo cáo tài chính riêng công ty mẹ là 51 tỷ đồng, giảm lỗ 23%, tương ứng giảm lỗ khoảng 15 tỷ đồng so với quý I/2023. Nhờ quá trình thực hiện dịch chuyển cơ cấu sản phẩm, tỷ lệ lãi gộp của chuỗi FPTShop tăng lên khoảng 3% so với quý I/2023.
Đồng thời, FPT Retail cho biết do tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất tốt trong bối cảnh lãi suất thị trường giảm so với quý I/2023, giúp chi phí tài chính giảm khoảng 50% so với cùng kỳ.
Trong năm 2024, Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch năm với mục tiêu lãi trước thuế 125 tỷ đồng. Như vậy, hết quý I, FPT Retail đã thực hiện 71% kế hoạch năm.
Tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản của FPT Retail ở mức 12.636,9 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Trữ tiền ghi nhận 2.443,9 tỷ đồng, tăng 13% so với số đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 66% so với đầu năm lên 655,1 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 11% còn 7.537 tỷ đồng.
Tính đến hết quý I/2024, tổng nợ phải trả của FPT Retail là 10.857 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm còn 10.857 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tài chính ghi nhận 7.217 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu năm và toàn bộ là dư nợ tài chính ngắn hạn.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2024, FPT Retail đã trả lời nhiều ý kiến của cổ đông liên quan đến FPT Shop. Cụ thể, FPT Retail cho biết, FPT Shop đã đóng 30 cửa hàng trong năm 2023 và sẽ rà soát các cửa hàng có doanh thu thấp, hoạt động không hiệu quả để đóng cửa. Song song đó sẽ thúc đẩy kênh bán hàng online để tận dụng tối đa doanh thu trên cửa hàng hiện có và đẩy mạnh những ngành hàng mới.
Chia sẻ về dự kiến nhu cầu tiêu dùng ICT trong năm 2024, lãnh đạo FPT Retail cho hay, nhu cầu tiêu dùng nói chung chưa có sự hồi phục rõ ràng, đặc biệt với các ngành bán lẻ và đồ công nghệ ít thiết yếu như ICT. Dự kiến, năm 2024 là thị trường ICT đi ngang, trong đó, quý I là giai đoạn có nhu cầu mua sắm cao hơn do dịp Tết Âm lịch. Dự kiến sang quý II, thị trường sẽ trầm lắng hơn.
Phiên thảo luận:
Câu hỏi: Quý công ty có dự kiến biên lợi nhuận gộp của chuỗi FPTShop sẽ cải thiện ở Quý I/2024 hay không? Số ngày tồn kho vẫn tăng cao lên 102 ngày so với 98 ngày ở quý III, lượng hàng tồn kho này chủ yếu đến từ mặt hàng nào và liệu có cản trở triển vọng nâng biên lợi nhuận của doanh nghiệp thời gian tới khi áp lực tồn kho lớn vẫn còn đó.
Trả lời: Dự kiến lãi gộp tiếp tục cải thiện gần 2% đến từ chiến lược chuyển đổi sản phẩm kinh doanh và kỳ vọng sẽ duy trì tối thiểu ở mức này. Đối với FPTShop do số dư tồn kho mang tính thời điểm và cuối năm 2023, với đặc thù tết sớm nên đã thực hiện stock hàng cho dịp tết. Hiện nay, tồn kho ICT tại quý I ở mức 3.100 tỷ đồng, giảm khoảng 900 tỷ đồng, tương đương 90 ngày bán hàng trong bối cảnh công ty đang chuyển dịch sang Gia dụng/điện máy là ngành hàng có tồn kho cao hơn điện thoại/laptop.
Câu hỏi: Biên lợi nhuận ròng dài hạn sau cuộc chiến giá của ngành hàng ICT sẽ về mức bao nhiêu?
Trả lời: Lợi nhuận gộp trong giai đoạn chiến giá có lúc xuống dưới 8%. Hiện nay mặc dù cuộc chiến giá không còn khốc liệt nhưng không quay trở lại mức cũ mà chỉ khoảng 10 – 11% và sẽ giữ ở mức này. FPTShop sẽ tiếp tục cơ cấu ngành hàng cho hiệu quả.
Với sự dịch chuyển của FPTshop đối với ngành hàng mới thì có thể duy trì ở con số 12-13% và mục tiêu tăng trưởng lãi gộp so với 2023 là 2%. Vì có một số cổ đông quan tâm kết quả kinh doanh Quý I/2024 nên chúng tôi thông tin để Quý cổ đông nắm được: Doanh thu quý I đang đi đúng kế hoạch đề ra tăng khoảng 17% so với cùng kỳ năm trước trong đó Long Châu là động lực tăng trưởng chính.
FPTshop còn nhiều khó khăn nhưng lãi gộp FPTshop cải thiện tương đối tốt. Ước lợi nhuận hợp nhất Quý I đạt trên 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, Quý I là cao điểm bán hàng, sang quý II, III là mùa thấp điểm, chưa kể Long Châu sẽ tiếp tục mở rộng vaccine thì các chỉ số có thể sẽ không tốt được như Quý I nhưng nếu thị trường không có đột biến thì sẽ đảm bảo đạt kế hoạch đề ra.
Câu hỏi: FRT vừa làm vaccine vừa mở rộng Long Châu thì kế hoạch vốn cho những mảng này là gì, vốn lưu động trong 3-5 năm tới sẽ như thế nào? Trong năm nay liệu công ty có kế hoạch phát hành hiện hữu hay riêng lẻ để giảm áp lực nợ cho Long Châu không?
Trả lời: Với đặc thù ngành bán lẻ thì vốn lưu động của FRT được tài trợ chủ yếu bởi các khoản vay ngắn hạn từ ngân hàng với lãi suất tốt, đặc biệt trong bối cảnh Long Châu tăng trưởng nhanh, mở rộng chuỗi vaccine, tập trung chiến lược Healthcare thì nhu cầu vay tài trợ vốn lưu động sẽ tiếp tục tăng.
Tuy nhiên xét trong vòng 3-5 năm tới thì nợ vay ngắn hạn/vốn chủ sở hữu sẽ giảm dần nhờ 3 hành động:
Thứ nhất, Long Châu có lợi nhuận tăng trưởng bền vững giúp có thêm vốn từ lợi nhuận giữ lại. Thứ 2, Long Châu dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ để huy động vốn. Thứ 3, Long Châu sẽ tiếp tục tối ưu vốn lưu động, thực tế dư nợ vay ngắn hạn và dư nợ vay thuần tại quý I/2024 (trừ đi tiền và khoản đầu tư) đã giảm khoảng 1.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023.