KQKD quý I/2024: Thực phẩm Sao Ta báo lãi hơn 57 tỷ đồng, tăng 18%
CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2024 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.461,4 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng 47% lên 1.364,4 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính kỳ này giảm nhẹ xuống 17 tỷ đồng. Chi phí tài chính ở mức 6,2 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi phí lãi vay ở mức 4,1 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí bán hàng ghi nhận 30,1 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 19,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 29% so với năm trước.
Kết quả, Thực phẩm Sao Ta báo lãi trước thuế 57,4 tỷ đồng, lãi sau thuế 57,2 tỷ đồng, tăng lần lượt tăng 13% và 18% so với quý I/2023.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Thực phẩm Sao Ta ở mức 3.503,2 tỷ đồng, tăng 4% so với số đầu năm. Trữ tiền ghi nhận 780,6 tỷ đồng, tăng 42% so với số đầu năm. Hàng tồn kho giảm 6% xuống 941,4 tỷ đồng.
Kết thúc quý I/2024, tổng nợ phải trả của Thực phẩm Sao Ta là 1.211,8 tỷ đồng, tăng 8% so với số đầu năm. Dư nợ tài chính ở mức 778,3 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm và toàn bộ là dư nợ ngắn hạn.
Thực phẩm Sao Ta trình kế hoạch lãi đạt 320 tỷ đồng
Theo thông báo, ngày 19/4/2024, Thực phẩm Sao Ta sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 tại TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) nhận định, tình hình khó khăn chưa giảm nhiệt mà còn tăng thêm khó khăn mới là vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm từ Mỹ. Hệ lụy là, vụ kiện chống bán phá giá cũng từ nguyên đơn này sẽ được hâm nóng, gây rủi ro cho các lô hàng bán vào thị trường này vì có thể bất ngờ bị áp thuế sau khi có mức thuế sơ bộ.
Trước tình hình này, đối sách Thực phẩm Sao Ta đã triển khai là chuẩn bị sổ sách tốt nhất giải trình phía Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) nếu bị yêu cầu. Song song sẽ nộp đơn lên DOC xin làm bị đơn bắt buộc cho vụ kiện chống bán phá giá nhằm tạo an toàn cho mình (và cả KAF) và tiếp đoàn FDA Hoa Kỳ qua kiểm tra nhà máy Tin An.
Do đó, việc ứng xử tình hình khó khăn về thị trường sẽ duy trì các giải pháp đang có và linh hoạt tối đa nhằm tận dụng mọi cơ hội, trong đó sẽ chú ý tìm hiểu cơ hội tại thị trường Trung Quốc. Chất lượng con giống cũng chưa đạt yêu cầu, tình hình an ninh đường biển sẽ ảnh hưởng đến cước tàu, giá bán năm nay. Hơn nữa, tình hình chiến tranh vẫn tiếp tục kéo dài dẫn đến nguy cơ lạm phát bùng phát trở lại. Cùng với vấn đề tỷ giá hối đoái đồng yen ít nhiều gây bất lợi cho xuất khẩu vào thị trường Nhật.
Một rủi ro khác được Thực phẩm Sao Ta nêu ra là nguồn cung nguyên liệu tôm trong nước sẽ không nhiều do người nuôi hạn chế nuôi vì không có lợi nhuận, bởi giá thành nuôi tôm cao và tỷ lệ nuôi thành công thấp.
Với nhận định trên, năm 2024, Thực phẩm Sao Ta lên kế hoạch sản lượng tôm chế biến đạt 22.300 tấn, sản lượng nông sản chế biến đạt 1.500 tấn. Với kế hoạch này, Thực phẩm Sao Ta trình cổ đông thông qua mục tiêu doanh thu thuần là 5.187 tỷ và lợi nhuận hợp nhất trước thuế 320 tỷ đồng, tăng lần lượt 2% và 5% so với thực hiện năm ngoái.
Chia cổ tức cho năm 2024 dự kiến thấp nhất là 20% bằng tiền (tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 2.000 đồng/cp).
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, Sao Ta đề xuất mức chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 20% (2.000 đồng/cp), tương ứng số tiền cần chi khoảng 131 tỷ để hoàn tất chi trả cho cổ đông. Thời gian thực hiện là ngay sau khi có Nghị quyết của ĐHĐCĐ thông qua.