KQKD quý II/2024: "Trắng" doanh thu, Koji ghi nhận lỗ kỷ lục

27/07/2024 10:21 GMT+7
Công ty Cổ phần Đầu tư tài sản Koji (HoSE: KPF) tiếp tục ghi nhận quý thứ 5 liên tiếp "trắng" doanh thu. Không dừng lại ở đó, trong quý II, Công ty còn ghi nhận lỗ kỷ lục tới hơn 282 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận hơn 1 thập kỷ tích lũy "tan thành mây khói" chỉ sau 1 quý.

Điều gì đang xảy ra ở Đầu tư Tài sản Koji?

Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, Koji ghi nhận "trắng" doanh thu - đây là quý thứ 5 liên tiếp doanh nghiệp trắng doanh thu từ quý 2/2023), trong khi doanh thu hoạt động tài chính giảm 49% so với cùng kỳ, còn gần 9 tỷ đồng.

Chi phí tài chính giảm mạnh 88% từ gần 3,6 tỷ xuống còn hơn 437 triệu đồng nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến, gấp hơn 342 lần. Khoản tiết giảm không đủ để bù đắp phần tăng của chi phí quản lý khiến Koji báo lỗ gần 282 tỷ đồng - đây là quý lỗ kỷ lục của KPF kể từ khi niêm yết HoSE năm 2016 đến nay.

KQKD quý II/2024: "Trắng" doanh thu, Koji ghi nhận lỗ kỷ lục- Ảnh 1.

Các khoản trích lập dự phòng của KPF tính đến cuối quý II/2024

Giải trình về kết quả này, ban lãnh đạo Koji cho biết, trong quý II/2024, Công ty đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi và tạm ứng có khả năng không thu hồi được. Vì vậy, lợi nhuận trong kỳ giảm so với cùng kỳ năm trước.

Theo thuyết minh, tính đến cuối quý II/2024, KPF đang trích lập dự phòng phải thu khó đòi gần 324 tỷ đồng; trong đó, Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm nâng từ gần 31 tỷ đồng lên gần 91 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu gần 80 tỷ đồng, CTCP Dịch vụ và Công nghiệp Bình Dương gần 57 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong danh mục này, có sự xuất hiện của 2 cá nhân là ông Nguyễn Khánh Toàn hơn 71 tỷ đồng và bà Nguyễn Thị Thủy gần 24 tỷ đồng.

Trước đó vào tháng 5/2024, ông Nguyễn Khánh Toàn - Chủ tịch HĐQT bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán".

Đáng chú ý, lợi nhuận hơn 1 thập kỷ của doanh nghiệp tích lũy "tan thành mây khói" chỉ sau 1 quý.

KQKD quý II/2024: "Trắng" doanh thu, Koji ghi nhận lỗ kỷ lục- Ảnh 2.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, Koji ghi nhận không có doanh thu, trong khi lỗ sau thuế 281,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 18,5 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản Koji giảm 35% so với hồi đầu năm, còn hơn 525 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn tài sản là khoản đầu tư tài chính vào các công ty khác với hơn 495 tỷ đồng, chiếm 95% tổng tài sản.

Bên kia bảng cân đối, Koji có gần 14,5 tỷ đồng nợ phải trả, khoản nợ này chủ yếu đến từ việc phải trả thuế và các khoản phải nộp nhà nước khác (hơn 12,5 tỷ đồng), gần 1,4 tỷ đồng là số tiền Công ty phải trả người lao động.

Cổ phiếu KPF đang "rơi tự do"

KQKD quý II/2024: "Trắng" doanh thu, Koji ghi nhận lỗ kỷ lục- Ảnh 3.

Diễn biến cổ phiếu KPF kể từ đầu năm tới nay

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần ngày 26/5, cổ phiếu KPF tăng 2,33% so với phiên giao dịch liền kề, hiện đang ở mức 2.640 đồng/cổ phiếu.

Giá cổ phiếu KPF gần như đang rơi tự do, giảm 51% so với đầu năm, thanh khoản bình quân gần 260 ngàn cp/phiên và là giá thấp nhất kể từ khi niêm yết trên HoSE năm 2016.

Ngoài "tin xấu" trên, cổ phiếu KPF còn đang trong diện bị cảnh báo. Mới đây, Công ty đã có công văn gửi UBCKNN lộ trình khắc phục.

Phương Thảo
Cùng chuyên mục