Kỳ họp tới, Quốc hội sẽ lập kỷ lục về làm luật

Thứ tư, ngày 16/07/2014 16:08 PM (GMT+7)
30 dự án Luật sẽ được Quốc hội (QH) thảo luận trong kỳ họp thứ 8 tới, trong đó sẽ thông qua 17 dự án Luật. Đây sẽ là kỷ lục về các dự án luật nếu được thông qua theo chương trình nghị sự.
Bình luận 0
Sáng nay (16.7), tại buổi cuối cùng tại phiên họp thứ 28, UBTVQH đã góp ý vào Chương trình làm việc của kỳ họp thứ 8 dụ kiến diễn ra vào cuối năm nay.

img

Bế mạc phiên họp thứ 29 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. 

Với 17 dự án Luật được thông qua, kỳ họp thứ 8 sẽ hoàn thành số lượng dự án Luật lớn nhất từ trước tới nay (trong khi trung bình mỗi kỳ họp trước đây, Quốc hội chỉ thông qua khoảng 10 dự án Luật).

Các dự án Luật quan trọng sẽ được thông qua tại kỳ họp này có thể kể đến: Luật Quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh; Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), và nhiều dự án luật về tổ chức bộ máy Nhà nước.

Thảo luận chương trình kỳ họp thứ 8, các thành viên của UBTVQH cho rằng công tác xây dựng pháp luật liên quan tới việc thực hiện Hiến pháp 2013 là trọng tâm của kỳ họp này mặc dù đây là kỳ họp cuối năm, thường xem xét các vấn đề về kinh tế, xã hội, ngân sách và công tác tư pháp.

UBTVQH đề nghị các cơ quan, tổ chức liên quan khẩn trương chuẩn bị, bảo đảm nội dung, tài liệu các dự án luật trình UBTVQH đúng tiến độ và có chất lượng, gửi tài liệu đến đại biểu QH đúng thời gian theo quy định để đại biểu có điều kiện nghiên cứu, thảo luận tại địa phương.

Trong sáng nay, UBTVQH cũng dành thời gian thảo luận về kỳ họp thứ 7 và thống nhất đánh giá QH đã hoàn thành chương trình đề ra, tạo sự tin tưởng, đồng thuận trong nhân dân, đoàn kết vượt qua khó khăn để phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Không nêu cụ thể vốn pháp định nghề kinh doanh bất động sản

Trước đó, vào ngày 15.7, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Sau khi giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu tại kỳ họp thứ 7, Bộ Xây dựng đề nghị phải quy định mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh bất động sản (không thấp hơn 50 tỷ đồng) vì đây là ngành nghề có điều kiện và đòi hỏi chủ đầu tư phải có số vốn lớn.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng mức vốn này là nhỏ so với những đô thị lớn- nơi bất động sản có giá trị rất cao. Trong khi ở nhiều địa phương khác mức vốn này lại là lớn, hạn chế số doanh nghiệp có khả năng tham gia thị trường. Do đó, ông Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị không nên quy định cụ thể mức vốn pháp định trong luật mà nên giao Chính phủ quy định cho phù hợp từng thời kỳ.

Ý kiến này được đại diện Bộ Xây dựng tiếp thu vào dự thảo theo hướng giảm mức vốn pháp định và giao Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp từng thời kỳ.

Về quy định đối tượng hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản vẫn còn những ý kiến khác nhau. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban đề nghị giao Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; Bộ Xây dựng quản lý chương trình đào tạo, giấy phép công nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản và kiểm tra, giám sát việc đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng vì người được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản sẽ được quyền hoạt động kinh doanh trên phạm vi toàn quốc nên việc giao Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ sẽ bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất.

Về việc lập 1 cơ quan độc lập quản lý vốn Nhà nước

Cùng ngày, UBTVQH cũng cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Ủy ban Kinh tế đề xuất phương án quy định thành lập một cơ quan độc lập thuộc Chính phủ hoạt động theo Luật này, thực hiện việc quản lý và giám sát toàn bộ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên một số ý kiến không đồng tình việc thành lập một cơ quan như thế này.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng nên phát huy vai trò chủ đạo của Hội đồng quản trị tại các doanh nghiệp; giao quyền để họ giữ vai trò chủ sở hữu vốn Nhà nước nhưng đồng thời giao trách nhiệm cho họ thì sẽ tốt hơn Nhà nước quản lý. Vì nếu mỗi lần muốn đầu tư thì doanh nghiệp cứ phải trình, báo cơ quan quản lý, làm chậm cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ GTVT là “Nhà chức trách hàng không”

Cũng trong ngày 15.7, UBTVQH đã thảo luận Luật Hàng không dân dụng, do Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình.

Theo quy định hiện hành, "Nhà chức trách hàng không" là Cục Hàng không dân dụng Việt Nam. Tuy nhiên, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) quy định "Nhà chức trách hàng không" phải có thẩm quyền quy định về đối tượng, chính sách an toàn hàng không.

Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng trong dự thảo Luật Hàng không dân dụng, "Nhà chức trách hàng không" chỉ có thể giao cho Bộ trưởng Bộ GTVT, không thể giao cho Cục Hàng không Việt Nam và đề nghị tiếp thu ý kiến này vào dự thảo Luật.

Về các loại dịch vụ chuyên ngành hàng không, các ý kiến đều bày tỏ Nhà nước phải quy định các dịch vụ này trong dự thảo Luật. Thực tế vừa qua, giá dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không, sân bay bị nâng giá rất cao, gây bức xúc xã hội, nguyên nhân được cho là do giá thuê mặt bằng cao và doanh nghiệp đã lợi dụng vị thế độc quyền của mình.

Để khắc phục những bất cập về giá, dự thảo Luật đã bổ sung quy định một số loại dịch vụ chuyên ngành hàng không do Nhà nước định giá, bao gồm: Giá dịch vụ an ninh hàng không tăng cường; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ hàng không khác.

Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan Nhà nước kiểm soát giá tại các cảng hàng không, sân bay nhằm bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.
(Theo Chinhphu.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem