“Kỹ thuật” để tránh trường hợp Thủ tướng được bầu Chủ tịch nước xong lại đề nghị Quốc hội miễn nhiệm chính mình

PVCT Thứ tư, ngày 24/03/2021 07:15 AM (GMT+7)
Tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước.
Bình luận 0

Đây là thông tin đã được Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại buổi họp báo trước kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV (sáng 23/3).

Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ kiện toàn 25 chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, trong đó có 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.

“Kỹ thuật” để tránh trường hợp Thủ tướng được bầu Chủ tịch nước xong lại đề nghị Quốc hội miễn nhiệm chính mình - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng ở đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), theo quy trình khi Quốc hội kiện toàn nhân sự với 3 chức danh chủ chốt sẽ được tiến hành theo bước:

Thứ nhất, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giới thiệu nhân sự để Quốc hội xem xét, bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội mới.

Tiếp theo, Chủ tịch Quốc hội sẽ thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước. Sau khi Chủ tịch nước được miễn nhiệm, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội sẽ đọc tờ trình giới thiệu nhân sự để Quốc hội xem xét, bầu giữ chức Chủ tịch nước.

Tiếp đến, Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Sau khi Thủ tướng được miễn nhiệm, Chủ tịch nước sẽ đọc tờ trình giới thiệu nhân sự để Quốc hội xem xét, bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ.

Tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, nếu thực hiện kiện toàn nhân sự với 3 chức danh chủ chốt theo quy trình nêu trên sẽ xảy ra tình huống đặc biệt. Bởi đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ được giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Như vậy sau khi được bầu chức giữ chức Chủ tịch nước xong khi Quốc hội miễn nhiệm nhân sự Thủ tướng thì ông Nguyễn Xuân Phúc lại trình Quốc hội miễn nhiệm chính mình.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, để tránh trường hợp nêu trên, một phương pháp mang tính "kỹ thuật" trong kiện toàn nhân sự được đưa ra. Đó là Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ trước, sau đó, Chủ tịch Quốc hội thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước.

Sau khi Chủ tịch nước được miễn nhiệm, Chủ tịch Quốc hội sẽ thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đọc tờ trình giới thiệu nhân sự chức Chủ tịch nước để Quốc hội xem xét, bầu.

Việc kiện toàn nhân sự theo cách này thì ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ được miễn nhiệm chức Thủ tướng Chính phủ trước, sau đó mới được giới thiệu để bầu giữ chức Chủ tịch nước.

Khi trở thành Chủ tịch nước, ông không phải trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ, ông chỉ đọc tờ trình giới thiệu nhân sự chức Thủ tướng Chính phủ để Quốc hội xem xét, bầu.

Sau khi được bầu, Thủ tướng mới sẽ trình Quốc hội phê chuẩn, bổ nhiệm các chức danh như Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành ở những vị trí cần được kiện toàn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem