Lâm Đồng: Hơn 10.000ha cây trồng bị ảnh hưởng, người dân chủ động chống hạn

12/03/2021 09:03 GMT+7
Do mùa khô kéo dài, khoảng 12.000ha cây trồng tại tỉnh Lâm Đồng sẽ bị ảnh hưởng, vì vậy, người dân địa phương đã lên những phương án chống hạn cho riêng mình để đảm bảo năng suất.

Nguy cơ thiếu nước

Hiện nay, đã vào vào trung tuần tháng 3, tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hầu như không có mưa. Chính điều này đã làm cho người dân và chính quyền địa phương lo lắng về việc thiếu nước tưới, sinh hoạt do mùa khô kéo dài.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng, hiện nay nhiều hồ thủy lợi tại các huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng rơi vào tình trạng bị bồi lấp, giảm dung tích. Tại TP.Đà Lạt, các hồ chứa nước như Cầu Cháy, Lộc Quý, Tà Nung, Đa Quý đều xuống thấp, không thể đảm bảo đủ nước tưới nếu mùa khô kéo dài.

Lâm Đồng: Hơn 10.000ha cây trồng bị ảnh hưởng, người dân chủ động chống hạn - Ảnh 1.

Hồ Đankia - Suối Vàng (Lạc Dương) đã có thời gian mực nước xuống rất thấp.

Trong khi đó, tại huyện Lâm Hà, các xã Tân Thanh, Đan Phượng, Gia Lâm, Phú Sơn có diện tích bị ảnh hưởng từ 250ha đến 1.000ha. Không chỉ vậy, huyện Lâm Hà có khoảng 1.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt và 3.000ha đất sản xuất cây ăn trái, cây công nghiệp dài ngày đứng trước nguy cơ thiếu nước.

Tại huyện Di Linh, nếu tình hình nắng hạn kéo dài, khoảng 3000ha đất gieo trồng bị thiếu nước, tập trung tại các xã như: Tam Bố, Gia Bắc, Sơn Điền, Hòa Nam, Hòa Trung, Đinh Trang Hòa, Tân Nghĩa, Liên Đầm. Không chỉ có vậy, tại các huyện như Đam Rông, Bảo Lộc, Lạc Dương cũng chung cảnh thiếu nước, ảnh hưởng do mùa khô kéo dài.

Lâm Đồng: Hơn 10.000ha cây trồng bị ảnh hưởng, người dân chủ động chống hạn - Ảnh 2.

Người dân tại Lâm Đồng chủ động đào ao, hồ chống hạn khi mùa khô kéo dài.

Trong thời gian này, ngành nông nghiệp địa phương đã có các biện pháp như bố trí tái cơ cấu sản xuất cây trồng, tập trung phát triển các loại cây trồng chịu hạn. Đồng thời, huy động người dân tham gia nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy tại các hệ thống kênh, cống lấy nước. Tăng cường phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước.

Ngoài ra, các địa phương cũng có những phương án ưu tiên cấp nước sinh hoạt, nước phục vụ chăn nuôi gia súc và ưu tiên tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao khi khô hạn kéo dài. Huy động và hỗ trợ nhân dân sử dụng các máy bơm của hộ gia đình, máy bơm dã chiến để bơm nước từ các khe suối, ao, hồ để phục vụ chống hạn.

Người dân chủ động chống hạn

Huyện Bảo Lâm và huyện Di Linh là hai huyện có diện tích cà phê lớn nhất nhì của Lâm Đồng. Thời điểm đầu tháng 3 cũng là lúc người dân địa phương tranh thủ tưới thật nhiều nước cho cà phê, sầu riêng, bơ nhằm đảm bảo hoa nở hết, năng suất được ổn định.

Ông Nguyễn Văn Thông (ngụ xã Tân Thượng, huyện Di Linh) cho biết: "Thời điểm này, cây cà phê đang làm bông, dưỡng quả nên cần rất nhiều nước. Mặc dù vẫn chưa phải là lúc hạn nhất, khô nhất nhưng gia đình tôi và người dân xung quanh đang tranh thủ nước vẫn còn để tưới cho cà phê, bơ, sầu riêng. Một thời gian nữa nếu không có mưa thì sẽ chẳng có nước tưới".

Lâm Đồng: Hơn 10.000ha cây trồng bị ảnh hưởng, người dân chủ động chống hạn - Ảnh 3.

Người dân chủ động chống hạn để tăng năng suất cũng như chất lượng cây trồng.

Trong khi đó, ông Bảo (ngụ Thôn 7, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) cho hay: "Đợt tưới đầu tiên của mùa khô đã kết thúc, cây trồng của gia đình tôi cơ bản đã "no nước", bông ra khỏe và đều. Trong khoảng 20 ngày nữa nếu không mưa thì chúng tôi lại tiếp tục tưới đợt 2. Nhưng hy vọng là sẽ có mưa để bà con đỡ tốn một chút chi phí. Rút kinh nghiệm những năm trước, vào thời điểm mùa khô bắt đầu, người dân cần chủ động nạo vét ao hồ và tận dụng triệt để nguồn nước sông, suối tự nhiên tưới chống hạn cho cây trồng".

Trao đổi với PV Etime, ông Đậu Văn Xuân - Chủ tịch UBND xã Lộc Lâm (huyện Bảo Lâm) cho biết, trái ngược với tình trạng khô héo, cà phê rụng lá như năm 2020 thì năm nay người dân địa phương đã chủ động được nguồn nước tưới cho cây trồng. Cũng như các địa phương khác trong toàn huyện, xã Lộc Lâm đã phát động phong trào toàn dân làm thủy lợi và được đông đảo bà con hưởng ứng tham gia. 

Hiện tại, người dân đang chủ động nạo vét ao hồ, tích nước tại các khu vực trũng thấp, khe suối để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và chống hạn lâu dài.

Ngoài ra, ông Trần Đức Công - Chủ tịch UBND huyện Di Linh cũng cho hay, ngoài các công trình hồ đập thủy lợi và sông suối thì toàn huyện thì còn có hơn 5.000 ao hồ nhỏ do người dân tự đào cung cấp nguồn nước chống hạn cho cây trồng. 

Đây là tín hiệu rất tốt khi người dân đã chủ động phòng chống hạn trong mùa khô, tránh tình trạng thiếu nước, thiệt hại về cây trồng. 

Để hiệu quả hơn nữa trong công tác chống hạn, địa phương khuyến khích người dân sử dụng các biện pháp tiết kiệm nước như tích nước và phân phối nguồn nước hợp lý. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân nạo vét ao hồ, phủ che gốc cây trồng đảm bảo độ ẩm và tưới nước tiết kiệm tránh lãng phí nguồn nước hiện có.

Phong Lâm
Cùng chuyên mục