Lâm Đồng: Trồng cây dược liệu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm
Lâm Đồng là địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp với các loại cây trồng, trong đó, phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao đã được tỉnh này quan tâm. Cây dược liệu được người dân sản xuất lâu đời với chủng loại phong phú như atiso, diệp hạ châu, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, đẳng sâm, trà hoa vàng, tam thất…Trong đó, các vùng huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Đam Rông, Cát Tiên, Di Linh, TP.Đà Lạt được sản xuất tập trung.
Lâm Đồng có khí hậu chia thành 3 vùng gồm: độ cao dưới 500m, từ 500-1.000m và trên 1.000m so với mực nước biển. Ở những độ cao khác nhau, nhiệt độ, độ ẩm khác nhau sẽ phù hợp với từng loại cây dược liệu. Vì vậy, đã tạo nên sự phong phú, đa dạng cho các sản phẩm tại địa phương. Ví như trồng hà thủ ô ở huyện Đức Trọng, Đơn Dương, huyết đằng ở Cát Tiên, cẩu tích ở Biduop – Núi Bà, xáo tam phân ở Đà Lạt, Lạc Dương.
Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích sản xuất cây dược liệu tại địa phương vào khoảng 332ha với tổng sản lượng khoảng 9.500 tấn. Trong đó, khoảng 263ha cây dược liệu được trồng trên đất nông nghiệp, 68ha trồng dưới tán rừng.
Ông Nguyễn Văn Diện - cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cho biết, cây actiso phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và cho giá trị kinh tế cao nên thời gian qua, nhiều hộ dân ở các huyện lân cận Đà Lạt như Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh đã trồng thử nghiệm. Đặc biệt, tại huyện Lạc Dương, việc phát triển atiso mang lại lợi nhuận cao và đã hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất.
Hiện, tại huyện Lạc Dương, Công ty Ladophar Lâm Đồng đã liên kết với người dân trồng hàng chục ha atiso. Dự kiến, đến năm 2025, diện tích này sẽ tăng lên khoảng 100ha.
Theo Trung tâm khuyến nông Lâm Đồng, việc canh tác cây dược liệu như atiso, đảng sâm, đương quy… so với các cây trồng như cà rốt, cải bắp, xà lách, cà phê… thì giá trị kinh tế cao hơn. Nếu trên cùng đơn vị diện tích, trồng cây atiso có thể đạt lợi nhuận trên 500 triệu đồng/ha/năm và mức này cao hơn 190 triệu đồng so với việc trồng cà rốt, cao hơn 400 triệu đồng so với trồng cải bắp. Cùng với đó, nấm linh chi cho lợi nhuận 665 triệu đồng/ha/năm, cây đương quy lợi nhuận 400 triệu đồng/ha/năm, cây đảng sâm cũng cho lợi nhuận lên đến 329 triệu đồng/ha/năm.
Hiện tại, Lâm Đồng có 59 doanh nghiệp thu mua các sản phẩm từ cây dược liệu để sơ chế, chế biến với tổng sản lượng trên 7 nghìn tấn. Nhiều nhất là tiêu thụ atiso với khoảng 45 doanh nghiệp, đơn vị thu mua, tiếp đến là đông trùng hạ thảo 15 doanh nghiệp và nấm linh chi 10 doanh nghiệp thu mua.