Lạm phát tại Mỹ tăng cao nhất trong hơn 30 năm

30/10/2021 10:36 GMT+7
Lạm phát toàn phần bao gồm giá thực phẩm và năng lượng tại Mỹ trong tháng 9 đã tăng 0,3% so với tháng 9 và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 1/1991.

Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,2% trong tháng 9 so với tháng 9, tương đương dự báo của các nhà phân tích trong cuộc khảo sát của Dow Jones. Tính trên cơ sở năm, lạm phát cơ bản tháng 9 năm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, không đổi so với tháng 8, nhưng là mức cao nhất kể từ tháng 5/1991 đến nay.

Như vậy, theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, lạm phát hàng năm đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 30 năm vào tháng 9 qua bất chấp thu nhập cá nhân 1%, giảm mạnh hơn mức dự báo 0,4% mà các nhà quan sát đưa ra trong cuộc khảo sát gần nhất của Dow Jones.

Chi tiêu tiêu dùng tăng 0,6% trong tháng, phù hợp với dự báo của phố Wall.

Lạm phát toàn phần được thúc đẩy bởi giá năng lượng tăng 24,9% và thực phẩm tăng 4,1%. Lạm phát khu vực dịch vụ tăng 6,4% trong khi lạm phát hàng hóa tăng 5,9%.

Lạm phát tại Mỹ tăng cao nhất trong hơn 30 năm - Ảnh 1.

Lạm phát tại Mỹ tăng cao nhất trong hơn 30 năm (Ảnh: Getty Images)

Báo cáo lạm phát tăng vọt trong tháng 9 được công bố vào thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Fed vật lộn với quan ngại giá cả tăng vọt làm xói mòn đà phục hồi kinh tế. GDP của Mỹ trong quý III chỉ tăng trưởng khoảng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng chậm nhất kể từ khi đà phục hồi kinh tế từ đại dịch bắt đầu vào nửa cuối năm ngoái. 

Bộ Lao động báo cáo trợ cấp cho lao động cũng tăng cao, tăng 1,3% trong quý III so với quý trước đó và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất kể từ quý II/2002. 

Tiền lương tăng 4,6% so với mức tăng 2,7% vào cùng kỳ năm ngoái.

Phản ứng trước những con số mới công bố, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cho hay bà kỳ vọng lạm phát sẽ sớm ổn định, mặc dù nhiều quan chức khác thừa nhận lạm phát có thể tồn tại dai dẳng và lâu dài hơn dự kiến. 

Trả lời tờ CNBC, bà Janet Yellen cho hay: “Lạm phát trên cơ sở năm vẫn ở mức cao và sẽ còn cao trong một thời gian nữa đơn giản vì tình trạng mất cân bằng cung cầu trong những tháng đầu năm. Nhưng tôi tin rằng lạm phát hàng tháng sẽ giảm trong nửa cuối năm. Tôi nghĩ nước Mỹ sẽ trở lại mức lạm phát dao động quanh 2%”. 

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tiến tới trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng từ cuối năm nay, mặc dù vẫn quyết định duy trì lãi suất cơ bản ở mức tiệm cận 0 như hiện nay. Khởi đầu việc đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại sẽ là động thái giảm quy mô gói mua tài sản trị giá 120 tỷ USD/ tháng kể từ giữa tháng 11 hoặc tháng 12, tiến tới kết thúc gói này vào giữa năm 2022.

Biên bản họp chính sách tiền tệ gần nhất của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Fed cho thấy trong quá trình giảm dần gói mua tài sản, Fed sẽ cắt giảm 10 tỷ USD/ tháng chương trình mua trái phiếu kho bạc và 5 tỷ USD/ tháng chương trình mua chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS). Nếu không gián đoạn, việc giảm dần quy mô mua tài sản tổng cộng 15 tỷ USD/ tháng sẽ giúp kết thúc hẳn gói mua tài sản vào giữa năm sau.

“Những người tham gia cuộc họp cùng chung nhận định rằng đà phục hồi rộng rãi của nền kinh tế vẫn đang đúng hướng và việc xây dựng lộ trình kết thúc gói mua tài sản vào khoảng giữa năm sau là phù hợp” - biên bản họp nhấn mạnh.

Cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của FOMC được ấn định vào ngày 2-3/11 tới. Thị trường dự đoán Fed có thể áp dụng thu hẹp quy mô gói 120 tỷ USD ngay từ giữa tháng 11 trong bối cảnh lạm phát đang trở thành vấn đề lớn của nền kinh tế.


NTTD
Cùng chuyên mục