Lạm phát ở Anh tăng mạnh nhất trong 24 năm

16/09/2021 09:18 GMT+7
CPI lên tới 3,2% trong tháng 8 cũng vượt xa mức lạm phát mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương Anh đề ra.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh đã tăng 3,2% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu chính thức do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh công bố hôm 15/9. Con số này vượt qua ước tính của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò do Reuters thực hiện là 2,9%, đồng thời là mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ khi Anh bắt đầu theo dõi chỉ số CPI từ tháng 1/1997 đến nay.

CPI lên tới 3,2% trong tháng 8 cũng vượt xa mức lạm phát mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương Anh đề ra, đồng thời có nguy cơ làm tăng thêm áp lực để các quan chức tài chính chấm dứt các gói kích thích kinh tế khổng lồ trong đại dịch. Con số cũng được công bố đúng vào thời điểm giá năng lượng toàn cầu tăng cao khi các nước rục rịch mở cửa trở lại sau những đợt đóng cửa nghiêm ngặt.

Tháng trước, CPI của Anh tăng 2%.

Lạm phát ở Anh tăng mạnh nhất trong 24 năm - Ảnh 1.

Lạm phát ở Anh tăng mạnh nhất trong 24 năm (Ảnh: Getty Images)

Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho rằng việc CPI tăng vọt trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái có thể do ảnh hưởng của chương trình khuyến khích người dân ăn tại nhà hàng (Eat Out to Help Out) mà chính phủ Anh đưa ra vào tháng 8 năm ngoái. Chương trình này trợ giá cho các nhà hàng, quán cà phê để giảm giá đồ ăn và thức uống cho khách hàng lên tới 50% (hoặc 10 bảng Anh) để kích thích nhu cầu tiêu dùng, cứu vãn nền kinh tế trì trệ vì đại dịch.

“Do chương trình Eat Out to Help Out chỉ diễn ra trong ngắn hạn, nên việc một chỉ số chỉ báo lạm phát tăng vọt trong tháng 8 có thể chỉ là hiện tượng tạm thời” - ONS cho hay.

Samuel Tombs, nhà kinh tế trưởng Vương quốc Anh tại Pantheon Macroeconomics cho biết thêm rằng việc giá ô tô đã qua sử dụng tăng vọt cũng là một nguyên nhân đóng góp vào mức tăng bất ngờ của CPI. “Mức tăng bất thường trong tháng 8 của CPI lõi chủ yếu do giá ô tô đã qua sử dụng tăng mạnh 4,9%”. Ông này cho rằng CPI có thể không tiếp tục tăng mạnh trong tháng 9 vì vào thời điểm tháng 9 năm ngoái, giá nhà hàng đã tăng trở lại khi chương trình Eat Out to Help Out kết thúc. 

Không riêng tại Anh, lạm phát đang trở thành vấn đề nóng trong nền kinh tế toàn cầu.

Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ số giá sản xuất đo lường mức lạm phát tại nhà máy đã tăng lên mức kỷ lục trong 13 năm vào tháng 8 qua bất chấp các nỗ lực kiềm chế lạm phát của Bắc Kinh. Cụ thể, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 9/9, chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này trong tháng 8 tăng vọt 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhanh hơn mức tăng 9% hồi tháng 7. Đây cũng là mức tăng PPI kỷ lục trong vòng 13 năm qua, kể từ thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Trong khi đó, ông Dong Lijuan, một quan chức cấp cao Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết sự gia tăng PPI phần lớn là do giá các sản phẩm như than đá, hóa chất và thép tăng lên. Trong đó, giá than thành phẩm tăng nhanh nhất, tăng 57,1% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tại châu Âu, một ước tính sơ bộ được công bố hôm 31/8 cho thấy giá tiêu dùng trong tháng 8 vừa qua tại khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng đáng kể so với mức 2,2% được ghi nhận hồi tháng 7. Nếu con số ước tính sơ bộ này không được điều chỉnh sau vài tuần nữa, nó sẽ phản ánh mức lạm phát cao nhất mà khu vực này từng ghi nhận trong vòng một thập kỷ qua.

Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Fed gần đây đã báo hiệu về việc thu hẹp quy mô gói kích thích trị giá 120 tỷ USD trước cuối năm nay khi lạm phát tăng vọt trong nhiều tháng liền. Trong một tuyên bố trực tuyến sau cuộc họp chính sách tiền tệ hôm 27/8, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh Mỹ đã đạt được đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau đợt bùng phát dịch Covid-19, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng ngân hàng Trung ương có thể sớm rút lại các gói kích thích kinh tế khi nền kinh tế lớn nhất thế giới đứng trước viễn cảnh tăng trưởng lạc quan hiện tại. “Quan điểm của tôi là lạm phát đã đạt đến mức tăng đáng kể như tiêu chí mà ngân hàng Trung ương đưa ra (để bắt đầu đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng). Thị trường việc làm cũng có những tăng trưởng rõ ràng” - ông Powell nhấn mạnh. Biên bản cuộc họp mới nhất của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Fed về chính sách tiền tệ cho thấy phần lớn các quan chức tin rằng việc bắt đầu "cắt giảm" chương trình mua trái phiếu trong năm nay là phù hợp. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng tán thành điều này.


NTTD
Cùng chuyên mục