dd/mm/yyyy

“Làn gió mới” cho tam nông

Qua 10 năm thực hiện, Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã khẳng tính đúng đắn mang tầm chiến lược của Đảng đối với một khu vực chiếm gần 70% dân số và khoảng 40% lực lượng lao động của cả nước. Sau khi Nghị quyết ra đời, nhiều chương trình, đề án đã được các ngành chức năng, địa phương triển khai thực hiện, trong đó có tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Để giúp độc giả có cái nhìn bao quát, đầy đủ về “làn gió tam nông” suốt 10 năm qua, Trang Trại Việt số này sẽ có nhiều bài viết về việc triển khai Nghị quyết “tam nông" ở nhiều địa phương trên cả nước như: Sơn La, Điện Biên, Quảng Nam…

10 năm của đổi thay và kỳ vọng

Trong 10 năm qua, nông nghiệp luôn duy trì được tăng trưởng (mặc dù chưa đạt mục tiêu đề ra) và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn; tiếp tục khẳng định được vị thế quan trọng trong nền kinh tế.

Những chính sách mới từ Nghị quyết 26 đã thực sự thay đổi tư duy sản xuất của bà con nông dân. T.L
Những chính sách mới từ Nghị quyết 26 đã thực sự thay đổi tư duy sản xuất của bà con nông dân. T.L

Sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng; giá trị và sản lượng nhiều nông sản đều tăng mạnh, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhờ đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng nhanh, tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008 - 2017) đạt 261,28 tỉ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; riêng năm 2017 đạt 36,52 tỉ USD, tăng 20,05 tỉ so với năm 2008 và dự kiến năm 2018 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40 tỉ USD. Đã có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỉ USD trở lên.

Trong 7 năm (2010 – 2017), phong trào xây dựng nông thôn mới có sức lan tỏa. Tính đến 20.7.2018, cả nước đã có 3.420 xã (38,32%) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 14,26 tiêu chí/xã; có 53 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Dự kiến, đến năm 2020 các chỉ tiêu đạt và có khả năng đạt là: Nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp 2,5 lần so với hiện nay (năm 2017 đạt khoảng 32 triệu đồng/người, tăng 3,49 lần so với năm 2008).

Lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội (năm 2017 đã giảm còn 40,1% và đến tháng 6.2018 còn 38,6%).

Số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50% (dự kiến sẽ đạt trên 50%). Nâng hiệu suất sử dụng các công trình thủy lợi lên trên 80% (năm 2017 hiệu suất phục vụ tưới đạt 78%, hiệu suất phục vụ tiêu đã đạt 90,2%).

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, chúng ta đã đạt nhiều thành quả: Nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Nông thôn có nhiều đổi mới, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp, được toàn dân hưởng ứng tham gia xây dựng, chỉnh trang, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp; xây dựng khu dân cư an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, vai trò chủ thể của người dân nông thôn được phát huy.

Nông dân – vai trò chủ thể

Là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân Việt Nam, 10 năm qua Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) đã đạt được nhiều thành tích trong việc thực hiện Nghị quyết Tam nông.

Các cấp Hội NDVN đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân chủ động tham gia tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Thông qua các phong trào thi đua của nông dân, nhất là phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững đã tạo sự chuyển biến về chất và có sức lan tỏa nhanh.

Những con đường thênh thang, phẳng lỳ đã trở nên quen thuộc và phổ biến ở nhiều vùng quê. T.L
Những con đường thênh thang, phẳng lỳ đã trở nên quen thuộc và phổ biến ở nhiều vùng quê. T.L

Đánh giá cao những thành tích mà T.Ư Hội NDVN đã đạt được, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cho rằng: Để Hội NDVN phát huy tốt hơn nữa sứ mệnh và vai trò của mình, lãnh đạo Hội NDVN cần chú trọng hơn nữa việc tập hợp, vận động, giáo dục, đào tạo nâng cao trình độ, năng lực hội viên; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân; phát huy dân chủ cơ sở, để nông dân thực sự là chủ thể của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Phối hợp tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, thiết bị, vật tư nông nghiệp; tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ; hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Đặc biệt, Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” - chương trình thường niên được T.Ư Hội NDVN tổ chức qua 6 năm đã góp phần tôn vinh những nhà nông trí tuệ, tài năng, đóng góp công sức của mình vào công cuộc làm giàu cho đất nước.

Với 4 tiêu chí về sản xuất kinh doanh, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc và có phát minh sáng kiến… 63 nông dân tiêu biểu của năm 2018 sẽ là minh chứng sống động nhất trong việc tiếp tục khẳng định và đề cao vai trò, vị thế của người nông dân Việt Nam trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đặc biệt trong giai đoạn đất nước đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội NDVN nhấn mạnh: Thời gian tới, để phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong tham gia tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, T.Ư Hội NDVN sẽ tiếp tục đề ra nhiều giải pháp, cụ thể:

Tiếp tục tuyên truyền vận động hội viên nông dân để thay đổi nhận thức về phát triển nông nghiệp, nông thôn trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu phấn đấu đẩy mạnh “công nghiệp hóa nông nghiệp, trí thức hóa nông dân”.

Tập trung tổng kết và tiếp tục đổi mới, bổ sung các giải pháp nâng cao chất lượng 3 phong trào lớn của Hội NDVN, nhất là tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân trong việc thực hiện phong trào ND thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Các cấp hội cần tập trung hỗ trợ đắc lực về kiến thức thị trường, sử dụng điện thoại thông minh.
Tập trung xây dựng, tổng kết các mô hình xây dựng NTM theo chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia: Xanh hóa về sản xuất nông nghiệp, xanh hóa về tiêu dùng và xanh hóa về lối sống ở nông thôn và thành thị. Tập trung xây dựng giai cấp ND và tổ chức Hội nông dân vững mạnh, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ Hội và chất lượng hội viên theo yêu cầu hội nhập quốc tế.

Thu Hà - Tố Loan