“Làn gió mới” thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp: Xây dựng người làm khuyến nông chuyên nghiệp

Minh Huệ Thứ hai, ngày 02/01/2023 11:17 AM (GMT+7)
Đề án khuyến nông cộng đồng giai đoạn 2022 – 2025 hướng tới mục tiêu củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông theo hướng dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đây cũng là lần đầu tiên trong 30 năm hoạt động, ngành khuyến nông có một đề án tổ chức bài bản, dài hơi.
Bình luận 0

Đánh giá về đề án này, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) cho biết, lâu nay, hệ thống khuyến nông ở địa phương có nơi làm tốt, có nơi đang bị đứt gãy, hoặc lúng túng trong việc duy trì hoạt động. Đề án triển khai trong bối cảnh đặc biệt khi ngành nông nghiệp đang nỗ lực tái cơ cấu nên mang ý nghĩa quan trọng cho hoạt động của lực lượng khuyến nông thời gian tới.

Gấp rút kiện toàn hệ thống khuyến nông trong bối cảnh mới 

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đề án khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) giai đoạn 2022 - 2025 triển khai trên cơ sở lực lượng nòng cốt là cán bộ khuyến nông cơ sở, lực lượng gắn bó trực tiếp với người sản xuất. 

Mô hình KNCĐ sẽ không tăng biên chế ở khuyến nông địa phương mà kiện toàn theo hình thức xã hội hóa. Với nhiều đổi mới từ hình thức hoạt động, đội ngũ nhân lực tham gia, tổ KNCĐ đang được kỳ vọng sẽ là lực lượng kết nối hiệu quả nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp.

 “Làn gió mới” thúc đẩy  tái cơ cấu nông   nghiệp  - Ảnh 1.

Giám đốc Trung tâm KNQG Lê Quốc Thanh (thứ 4 từ phải sang) cùng đoàn công tác kiểm tra mô hình sản xuất lúa bản địa phục vụ phát triển sản phẩm OCOP tại xã Tà Hừa, huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu). Ảnh: Minh Ngọc

Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ KNCĐ chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Từ năm 2022 - 2023, thực hiện dự án thí điểm xây dựng mô hình tổ KNCĐ phục vụ phát triển vùng nguyên liệu bền vững trên địa bàn 13 tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An.

Giai đoạn 2: Từ năm 2024 - 2025, thực hiện dự án đánh giá, nhân rộng mô hình tổ KNCĐ ra các địa phương có điều kiện tương tự trên địa bàn 15 tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Mặc dù mới triển khai thí điểm nhưng đề án này như một "làn gió mới", tạo động lực phấn khởi cho hệ thống khuyến nông các cấp. 

Chỉ trong thời gian ngắn, đã có rất nhiều tổ KNCĐ được thành lập. Đơn cử như tại Hải Phòng, trong vòng 1 năm trở lại đây, thành phố này đã thành lập được 135 tổ KNCĐ. Mô hình này bước đầu đã giúp nông dân phát huy tối đa giá trị canh tác, đẩy mạnh kết nối với nhau tạo luồng gió mới cho nông nghiệp địa phương.

Bà Nguyễn Thị Dung, thành viên tổ KNCĐ xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy) cho biết, sau khi tham gia tổ KNCĐ, bà được chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất, từ việc diệt chuột, cấy lúa thông minh, tiết kiệm… đến tổ chức chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. 

"Liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp hay đổ vỡ có nhiều yếu tố, trong đó có nguyên nhân là người dân chưa tuân thủ triệt để những cam kết chung, dẫn đến hợp tác không bền vững. Việc thành lập tổ KNCĐ bước đầu đã khắc phục được tình trạng này" - bà Dung nói.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cho biết, doanh nghiệp luôn sẵn sàng đồng hành cùng các tổ khuyến nông. "Chính các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ tổ KNCĐ. Từ trước đến nay, doanh nghiệp chúng tôi vẫn chưa tìm được một đội ngũ kỹ thuật giỏi để hướng dẫn, hỗ trợ bà con nông dân liên kết với doanh nghiệp. Tổ KNCĐ sẽ là những người giúp chúng tôi thực hiện điều đó" - ông Tùng nói.

Đến nay, các tỉnh không nằm trong vùng đề án (đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu) cũng đã tự thành lập, kiện toàn hàng chục tổ KNCĐ. 

Hay như ở Lào Cai, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh này cũng rất "sốt ruột", đã tổ chức hội thảo nhằm củng cố, đổi mới, kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông và tham vấn chính sách cho khuyến nông cơ sở, mời lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia lên chủ trì thảo luận, hướng dẫn.

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai được kiện toàn, đổi tên thành Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp. Do yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra, Trung tâm không còn hệ thống ở cơ sở, dẫn tới hoạt động gặp nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư hạn chế… Hiện, Lào Cai có 126 khuyến nông viên xã, 357 cộng tác viên khuyến nông thôn, bản làm việc tại 357 thôn, bản thuộc các huyện 30a. 

Theo đánh giá của tỉnh, việc quản lý, sử dụng hệ thống khuyến nông cơ sở này chưa đồng bộ trong toàn tỉnh. Chế độ chính sách, lương, phụ cấp, định mức chi thường xuyên của khuyến nông viên rất thấp nên "vừa làm vừa lo".

Tỉnh Lào Cai cũng trăn trở, suy nghĩ tìm cách thay đổi phương thức hoạt động khuyến nông; xây dựng các mô hình có sự đóng góp một phần kinh phí. Thay vì hỗ trợ như trước, người dân sẽ phải có vốn đối ứng, lựa chọn những loại cây trồng, vật nuôi mang tính đặc hữu, nhờ đó những hộ dân có trách nhiệm hơn rất nhiều khi thực hiện mô hình.

 “Làn gió mới” thúc đẩy  tái cơ cấu nông   nghiệp  - Ảnh 3.

Dự án xây dựng mô hình vỗ béo trâu thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học triển khai tại gia đình ông Quàng Văn Trịnh (ở xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên). Ảnh: Minh Ngọc

Đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, hiện nay một số tỉnh đã giải thể Trung tâm Khuyến nông cấp tỉnh; 36/63 tỉnh đã hợp nhất Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện. Nhiều địa phương giải thể khuyến nông viên xã, cộng tác viên khuyến nông thôn bản, khiến hệ thống khuyến nông bị suy yếu, hoạt động rời rạc, ảnh hưởng tới tâm lý của người làm khuyến nông...

Trong khi đó, bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 quy định xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có tổ KNCĐ hoạt động hiệu quả. Điều này đặt ra yêu cầu chính quyền các địa phương phải thay đổi quan điểm, cách nhìn về vai trò của hệ thống khuyến nông và tạo điều kiện để đội ngũ này sớm kiện toàn, hoạt động "chính danh ngôn thuận".

Xây dựng người khuyến nông chuyên nghiệp

Theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan tại một khóa tập huấn nghiệp vụ KNCĐ tổ chức tại TP.HCM, trong bối cảnh hiện nay, nước ta cần có đội ngũ KNCĐ để đảm đương nhiệm vụ khuyến nông, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đội ngũ khuyến nông không chỉ dạy cách trồng trọt, chăn nuôi mà phải hướng dẫn người nông dân nâng cao giá trị nông sản như phương pháp thu hoạch, bảo quản, sơ chế, cách mua bán sao cho được giá tối ưu.

Cách tiếp cận mới của khuyến nông cần xuất phát từ chính người nông dân. Vì nếu cán bộ nông nghiệp không biết nông dân đang cần gì, nghĩ gì thì mọi chiến lược sẽ không thành công. Cán bộ khuyến nông phải tư vấn cho nông dân làm giàu chứ không chỉ tư vấn họ sản xuất. Thực tế có khi nông dân sản xuất còn giỏi hơn cán bộ khuyến nông.

"Nghĩa là từ lúc này, cán bộ khuyến nông phải cùng nông dân tư duy lại hiệu quả kinh tế trên mảnh đất của mình. Người làm khuyến nông phải là cầu nối chứ không phải cán bộ nhà nước" - Bộ trưởng nói.

Trao đổi với Báo NTNN, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, Đề án thí điểm KNCĐ đã vượt qua khuôn khổ của một đề án khi thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng, thành viên tham gia cũng rất đa dạng, với lực lượng nòng cốt là cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y, HTX, đại diện doanh nghiệp... 

Tổ KNCĐ là mô hình thí điểm, chưa có hình mẫu nên hoạt động còn nhiều khó khăn, thiếu thốn và vướng mắc. Vì vậy, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ gấp rút hoàn thiện bộ tài liệu hướng dẫn cho tổ KNCĐ về chuyển đổi số, kết nối thị trường, quản lý HTX, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ… 

Đó sẽ là cẩm nang đắc lực cho các tổ KNCĐ. Tuy nhiên để những tổ này không chỉ "sống" được bằng nghề mà còn lan tỏa được thì phải có sự hỗ trợ từ các nguồn lực.

Theo đó, ông Thanh đề nghị các địa phương tiếp tục duy trì những chính sách, chế độ hỗ trợ cũ cho các tổ KNCĐ; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để triển khai hỗ trợ một phần kinh phí trong thời gian thực hiện đề án thí điểm. Đề nghị các doanh nghiệp bố trí nguồn lực về tài chính để hỗ trợ, đồng hành và tham gia một cách cụ thể với các tổ KNCĐ.

"Muốn đào tạo, hướng dẫn nông dân sản xuất chuyên nghiệp, trước tiên người làm khuyến nông phải tự chuyên nghiệp hóa bản thân. Cán bộ khuyến nông đi hoạn lợn, tiêm phòng mà không giỏi thì chẳng ai gọi; hay hướng dẫn bà con trồng rừng không đúng, không hiệu quả thì chẳng ai thuê. Vậy làm thế nào để thành cán bộ giỏi? Chỉ có yêu nghề, muốn sống bằng nghề thì mới giỏi được" - ông Lê Quốc Thanh chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem