Làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19: Áp lực nợ xấu bủa vây, ngân hàng “đau đầu” gỡ vướng

05/08/2020 09:17 GMT+7
Áp lực về nỗi lo về nợ xấu “ập đến” ngày càng gia tăng khi làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 xuất hiện. Đồng thời, dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình xử lý nợ xấu. Tiến trình này chỉ có thể được thúc đẩy nhanh hơn khi nền kinh tế vận hành bình thường và hoạt động sản xuất kinh doanh tốt trở lại.

Nợ xấu có nguy cơ "ập đến"

Thống kê tại 23 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2020 cho thấy, chỉ có 5/23 nhà băng có nợ xấu giảm so với đầu năm là VPBank (giảm 2,09%), PGBank (giảm 4.,2%), SeABank (giảm 3,94%), NamABank (giảm 6,67%) và Techcombank (giảm tới 31,76%).

18 ngân hàng còn lại có nợ xấu tăng trong nửa đầu năm nay. Trong đó, đáng chú ý nhất là KienLongBank (KLB) có tỷ lệ nợ xấu vọt lên 6,59%. Nếu xét theo giá trị tuyệt đối, số dư nợ xấu đã tăng lên 2.249 tỷ đồng, tức là gấp hơn 5 lần so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) gấp 9 lần đầu năm, ghi nhận gần 2.146 tỷ đồng.

Theo giải trình của ngân hàng, trong số dư nợ có khả năng mất vốn, có 1.896 tỷ đồng dư nợ các khoản cho vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản bảo đảm là cổ phiếu của một ngân hàng khác được phân loại nợ nhóm 5 theo Quyết định 2595/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Khoản nợ tăng đột biến này làm cho KienLongBank trở thành ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cao nhất hệ thống tính đến cuối quý II vừa qua.

Làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19: Áp lực nợ xấu bủa vây, ngân hàng “đau đầu” gỡ vướng - Ảnh 1.

Tỷ lệ nợ xấu lên vượt 6% tại KienLongBank

Trong khi nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng, làn sóng Covid-19 lần thứ 2 được tiếp tục dự báo sẽ giáng đòn mạnh lên các doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong đó, ngành ngân hàng dù không chịu tác động nhưng tiếp nhưng cũng khó tránh "tổn thương" nặng nề.

"Khi doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng khó mà tránh liên lụy được. Chắc chắn hoạt động kinh doanh bị trì trệ, lợi nhuận suy giảm, chất lượng tài sản xấu đi", ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc OCB bày tỏ.

Cũng có chung lo ngại như vậy, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, nợ xấu là thách thức lớn nhất trong năm nay cũng như vài năm tới của các ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Nợ xấu tăng nhưng ngân hàng vẫn phải đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo áp lực không hề nhỏ cho ngân hàng. Chưa kể, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro làm hao mòn lợi nhuận ngân hàng. Theo tính toán của TS. Lực, lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2020 sẽ giảm từ 20 - 25% so với kế hoạch ban đầu.

Cần "luật hóa" Nghị quyết 42

Hệ thống ngân hàng đang đối mặt với nguy cơ nợ xấu tăng cao do khả năng trả nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dù thời gian qua, các ngân hàng vẫn rất tích cực xử lý nợ xấu qua nhiều hình thức đấu giá, tài sản rao bán khá đa dạng bất động sản, máy móc, thiết bị sản xuất, các loại ô tô từ bình dân đến xe sang…

Tuy nhiên, việc rao bán nợ xấu đối với các ngân hàng ngày càng khó khăn dù giảm giá mạnh nhưng người mua cũng không mặn mà. Thực tế này dẫn đến tình trạng nhiều tài sản được ngân hàng đem ra đấu giá tới vài chục lần vẫn không thể bán được. Vấn đề này được dự báo sẽ càng khó khăn hơn khi làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp như hiện nay.

Như với ngân hàng BIDV, ngân hàng này đã 17 lần bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty Cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn, 29 lần thực hiện bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty Cổ phần Thúy Đạt. Không chỉ thực hiện nhiều lần, mà giá trị tài sản cũng được giảm nhiều lần so với giá gốc, như tài sản của Công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn còn 800 tỷ đồng, giảm gần 2.000 tỷ đồng so với nợ gốc và lãi. Không chỉ BIDV, mà rất nhiều ngân hàng, thậm chí cả Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng chật vật bán nợ xấu.

Làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19: Áp lực nợ xấu bủa vây, ngân hàng “đau đầu” gỡ vướng - Ảnh 3.

Xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc về mặt pháp lý

Một nguyên nhân khác là do Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng dù đã được thực hiện từ năm 2017 những vẫn còn nhiều vướng mắc về mặt pháp lý, đặc biệt là công tác thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm, việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp theo Điều 8 Nghị quyết số 42 khiến khách mua "nhụt chí".

Phó tổng giám đốc VPBank Nguyễn Thành Long cho biết, trong quá trình thực thi, VPBank cũng bị vướng ngay cả khi tài sản đã thu giữ và đấu giá xong. Khi ngân hàng thực hiện sang tên nhà đất thì cơ quan nhà đất lại yêu cầu phải có biên bản bàn giao. Về nguyên tắc ngân hàng buộc thu giữ thì không thể có sự đồng thuận để có biên bản bàn giao với khách hàng. Có trường hợp ngân hàng không sang tên đổi chủ được buộc phải trả lại tiền, không những thế ngân hàng còn bị người mua kiện ra tòa.

Để thực thi được quyền thu giữ tài sản đảm bảo, ông Nguyễn Thành Long kiến nghị theo hướng đưa ra quyền và biện pháp để thực thi quyền. Theo thông lệ, những quốc gia xử lý tài sản đảm bảo tốt họ có những biện pháp thực thi theo hướng, chỉ cần có quyết định, tòa án xác nhận, thì có thể thi hành thu giữ tài sản luôn vào hôm sau. Tất nhiên là phải có sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước.

Nêu quan điểm của mình, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế cho rằng, thủ tục pháp lý quá phức tạp, vướng mắc nhiều khâu là rào cản chính của thị trường mua bán nợ, nên cần tháo gỡ các điểm nghẽn để thúc đẩy thị trường mua bán nợ được thực hiện thành công. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải "luật hóa" Nghị quyết 42, để các chế tài được rõ ràng, giá trị pháp lý cao hơn. Có như vậy, mới có thể hỗ trợ ngân hàng xử lý nợ xấu hiệu quả. Nếu không sẽ lại khê đọng nguồn vốn lớn trong khối nợ xấu, ảnh hưởng đến dòng chảy vốn vào nền kinh tế.

Nhìn nhận về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cho biết, sự tác động của đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình xử lý nợ xấu.

Theo ông Lực, tiến trình này chỉ có thể được thúc đẩy nhanh hơn khi nền kinh tế vận hành bình thường và hoạt động sản xuất kinh doanh tốt trở lại. Khi đó, năng lực trả nợ của bên vay sẽ tốt hơn. Tiếp đó, quá trình xử lý tài sản đảm bảo khi nền kinh tế hoạt động bình thường được thúc đẩy nhanh hơn, thị trường thanh lý tài sản đảm bảo sẽ diễn ra nhanh hơn, sôi động hơn và thanh khoản tốt hơn. Bởi hiện nay, những hoạt động này đang diễn ra khá chậm chạp.

Nhật Minh
Cùng chuyên mục