Nợ xấu xấu hơn, ngân hàng “gia cố” nghìn tỷ

02/07/2020 14:56 GMT+7
Nợ xấu là một trong những thách thức lớn của ngành ngân hàng trong năm nay khi nhiều ngân hàng đặt chỉ tiêu nợ xấu cao hơn năm 2019 trong kế hoạch kinh doanh. Theo ước tính, ngân hàng sẽ phải tăng trích lập dự phòng rủi ro khoảng 6.736 tỷ đồng vì nỗi lo nợ xấu gia tăng.

Trong kế hoạch kinh doanh năm 2020, khá nhiều ngân hàng đề cập tới chỉ tiêu nợ xấu cao hơn năm 2019. 

Nỗi lo nợ xấu đang tăng dần

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) mới đây, lãnh đạo Vietcombank cho biết đang kiểm soát tốt nợ xấu, thậm chí tốt hơn so với dự kiến. Dù vậy, trong kế hoạch kinh doanh trình ĐHĐCĐ, Vietcombank vẫn để mục tiêu kiểm soát nợ xấu tới 1,5% - cao gần gấp đôi so với hiện tại (tính đến 25/6 là 0,82%).

Nợ xấu trong quý I/2020 của Techcombank ở mức 1,1%, tuy nhiên mục tiêu năm nay là dưới 3%. Còn trong báo cáo tài chính quý I/2020 của VPBank cho thấy, hiện ngân hàng đang có tới xấp xỉ 8.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó có gần 1.600 tỷ đồng nợ xấu ở nhóm có khả năng mất vốn.

TPBank là ngân hàng có nợ xấu nội bảng tăng 53% trong quý đầu năm nay, lên 1.884 tỷ đồng, thay đổi chủ yếu tại nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 61% lên 771 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,28% lên 1,87%.

Nợ xấu của Eximbank tính đến hết quý I/2020 tăng 4% so với đầu năm, lên mức gần 2.018 tỷ đồng, chủ yếu do tăng nợ dưới tiêu chuẩn (tăng 6%) và nợ nghi ngờ (tăng 25%). Vì thế, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ của ngân hàng này tăng lên 1,85% so với mức 1,71% hồi đầu năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nợ xấu tăng là điều không tránh khỏi do dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh trong nước, mà còn ảnh hưởng tới nhiều quốc gia trên thế giới.

Còn theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận, dịch Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ không có khả năng trả nợ.

Vì vậy, 6 tháng cuối năm là khoảng thời gian có thể chứng kiến những khó khăn của hệ thống tổ chức tín dụng. Hệ thống ngân hàng cũng đang nỗ lực kiểm soát nợ xấu, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu hoạt động.

"Gia cố" dự phòng rủi ro

Trước thực tế kể trên, bà Lê Minh Thuỳ, chuyên viên cao cấp Khối phân tích của CTCP Chứng khoán VNDIRECT nhận định: "Hiện nay, các ngân hàng vẫn đang tái cơ cấu các khoản nợ cho doanh nghiệp, do đó nợ xấu có thể sẽ tăng cả trong năm 2021. Các ngân hàng thường xuyên trích lập dự phòng cao và quản lý nợ xấu tốt sẽ có ít rủi ro hơn các ngân hàng tăng trưởng nhanh nhưng nguồn dự phòng thấp".

Nợ xấu xấu hơn, ngân hàng “gia cố” nghìn tỷ  - Ảnh 2.

Ước tính, các ngân hàng sẽ phải tăng mức tăng trích lập dự phòng rủi ro khoảng 6.736 tỷ đồng vì nợ xấu gia tăng.

Có thể thấy, ngay từ quý I/2020, kể cả những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp hoặc nợ xấu cao cũng đều gia tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Chẳng hạn, VPBank trích lập 3.712 tỷ đồng dự phòng ngay trong quý I, do đó chi phí dự phòng đã tăng 26,1% so với cùng kỳ năm trước khi loại trừ ảnh hưởng dự phòng đã trích cho dư nợ trái phiếu VAMC trong năm 2019. Riêng ngân hàng mẹ, chính sách thận trọng trong trích lập dự phòng được thể hiện rõ nét trong việc tăng chi phí dự phòng cho vay khách hàng lên tới 50% trước bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Còn tại MB, chi phí dự phòng trong quý I/2020 tăng tới 117% so với cùng kỳ, lên hơn 2.000 tỷ đồng. Theo đó, dự phòng rủi ro đã "ăn mòn" tới 49% lợi nhuận của ngân hàng, trong khi cùng kỳ chỉ là 28%.

Nhìn nhận về vấn đề này, Ts. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, 2 triệu tỷ đồng, tương đương 23% dư nợ tín dụng dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là rủi ro tiềm ẩn đối với hoạt động ngân hàng.

Do đó, nợ xấu là một trong những thách thức lớn của ngành ngân hàng trong năm nay. Ước tính, các ngân hàng sẽ phải tăng mức tăng trích lập dự phòng rủi ro khoảng 6.736 tỷ đồng vì nợ xấu gia tăng.

"Để kiểm soát tốt nợ xấu, các ngân hàng cần thực hiện các biện pháp hạn chế rủi ro tín dụng, nợ xấu thông qua việc nắm bắt kịp thời và bám sát các lĩnh vực, khu vực và nhóm khách hàng có nguy cơ và rủi ro cao do ảnh hưởng từ dịch bệnh; rà soát lại tổng thể danh mục, quy trình, hệ thống xếp hạng tín dụng và điều chỉnh hoặc áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro cần thiết", ông Lực khuyến cáo.


Huyền Anh
Cùng chuyên mục