Lạng Sơn: Hỗ trợ sản xuất, xây dựng mô hình phát triển cây dược liệu

02/01/2020 11:23 GMT+7
Thành công của dự án là tiền đề quan trọng trong phát triển vùng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn góp phần tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

 Thực hiện dự án hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, tỉnh Lạng Sơn đã hỗ trợ bà con nhân dân thực hiện mô hình trồng cây dược liệu cà gai leo trên địa bàn xã Quảng Lạc, TP.Lạng Sơn. Mô hình được triển khai từ tháng 02/2019 đến tháng 02/2020 với quy mô gần 3ha với 18 hộ dân tại thôn Quảng Hồng II tham gia.  

Để triển khai thực hiện mô hình, ngoài việc hỗ trợ các hộ dân vật tư, phân bón, các hộ dân tham gia còn được Trung tâm ứng dụng phát triển Khoa học công nghệ và đo lường chất lượng sản phẩm tỉnh hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà gai leo. Đặc biệt, là giới thiệu kết nối tiêu thụ sản phẩm sau khi thu hoạch đảm bảo đầu ra giúp bà con yên tâm sản xuất. Qua triển khai, mô hình trồng cà gai leo sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh hại và cho thu hoạch lứa đầu. 

Lạng Sơn: Hỗ trợ sản xuất, xây dựng mô hình phát triển cây dược liệu - Ảnh 1.

Nông dân khẩn trương thu hoạch cây cà gai leo tại vườn để tiến hành phơi khô xuất bán cho các đầu mối thu mua (langson.gov)

Theo số liệu thống kê, cả nước cần khoảng 60.000 tấn dược liệu, trong đó, nguồn cung ứng trong nước mới chỉ đạt khoảng 15.600 tấn, còn lại khoảng 70% phải nhập từ các quốc gia khác, chủ yếu là từ Trung Quốc. Đáng nói là nhiều loại không có nguồn gốc rõ ràng, chưa được kiểm định về chất lượng cũng như quy trình sản xuất dẫn đến tác dụng dược liệu bị ảnh hưởng. Tỉnh Lạng Sơn là khu vực có nhiều cây dược liệu quý, tuy nhiên, do khai thác quá mức và không có sự đầu tư phát triển dẫn đến nguồn dược liệu ngày càng cạn kiệt. Thành công của dự án này sẽ là tiền đề quan trọng phát triển vùng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn góp phần tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. 

Ông Giang Văn Lùng, Phó Giám đốc HTX Hợp Thịnh - một trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây dược liệu cho thu nhập cao mỗi năm của tỉnh Lạng Sơn cho biết: Ngoài chăn nuôi thì HTX còn mở rộng thêm hàng chục ha mô hình trồng cây dược liệu như Hoàng Ngọc, cà gai leo, nghệ đen…cho thu nhập hàng trăm triệu/năm tạo thu nhập ổn định cho các thành viên và công nhân lao động. Đến nay, HTX đã liên kết sản xuất cây dược liệu với 15 HTX, THT trên địa bàn các huyện: Bắc Sơn, Văn Quan, Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Định… với tổng diện tích trên 40 ha. Các loại cây dược liệu chính được trồng như: cà gai leo 16 ha; nghệ các loại 20 ha; hoàn ngọc 2 ha; đương quy 3 ha; hà thủ ô đỏ 2 ha… Sản lượng cây dược liệu là các loại cây là gai leo, cây hoàng ngọc, nghệ, ba kích… liên tục tăng nhưng vẫn được tiêu thụ hết với giá bán cao và ổn định. 

Lạng Sơn: Hỗ trợ sản xuất, xây dựng mô hình phát triển cây dược liệu - Ảnh 2.

Ông Giang Văn Lùng giới thiệu sản phẩm Cà gai leo khô do HTX của ông sản xuất, sơ chế và đóng gói.

"Trước đây khi thực hiện công việc sản xuất chúng tôi thường làm theo kiểu tự phát, sản xuất những gì mình có nhưng giờ HTX của tôi đã thay đổi tư duy và sản xuất sản phẩm theo tín hiệu và yêu cầu của thị trường “Bán những thứ thị trường cần chứ không bán thứ mình có”, nhằm đảm bảo ổn định và bền vững cho đầu ra của sản phẩm. Hiện nay các sản phẩm của HTX Hợp Thịnh đều có đầu ra ổn định - ông Lùng chia sẻ. 

Cây Cà gai leo là loại cây thảo dược thiên nhiên. Từ lứa thu hoạch đầu tiên, sau 4 tháng là tiếp tục thu hoạch lứa tiếp theo. Mỗi năm cây cà gai leo cho thu hoạch 3 đến 4 đợt. Bình quân mỗi sào cho thu hoạch khoảng 12 - 13 tấn tươi (tương đương 3,5 - 4 tấn khô). Với giá bán trung bình 45.000 đồng/kg khô, tính ra với mỗi sào thu hoạch mang lại thu nhập từ 13- 16 triệu đồng/năm. Qua đó, không chỉ tạo việc làm, giúp bà con nâng cao thu nhập, phát triển dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa mà còn góp phần bảo tồn các loại cây dược liệu quý.

Tuấn Minh
Cùng chuyên mục